Thứ 6, 25/04/2025, 22:17[GMT+7]

Giúp học sinh khám phá, sáng tạo qua giáo dục STEAM/STEM

Thứ 6, 25/04/2025 | 07:17:07
1,107 lượt xem
Đặt học sinh vào vị trí trung tâm trong quá trình giáo dục, Trường Tiểu học, THCS và THPT Quách Đình Bảo đã triển khai hiệu quả mô hình giáo dục STEAM/STEM - một phương pháp tiên tiến, phù hợp với xu thế đổi mới, sáng tạo hiện nay.

Sản phẩm STEAM của học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Quách Đình Bảo.

STEAM là mô hình giáo dục tích hợp 5 lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học; còn STEM tập trung vào 4 lĩnh vực, không bao gồm nghệ thuật. Cả hai đều theo hướng tiếp cận liên môn, giúp học sinh phát triển toàn diện kiến thức, kỹ năng và năng lực tư duy sáng tạo. Điểm nhấn nổi bật trong hoạt động giáo dục STEAM/STEM tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Quách Đình Bảo là ngày hội “STEAM - Khơi nguồn sáng tạo; Ẩm thực truyền thống - Hướng tới tương lai”, với 244 sản phẩm do chính học sinh thiết kế, chế tạo. Từ chai nhựa, quạt hỏng, mô-tơ cũ đến tre, nứa, đỗ, lạc, bánh cáy... - những vật liệu tưởng như bỏ đi hoặc mang đậm bản sắc quê hương - các em đã sáng tạo thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao như: máy hút bụi mini, cảm biến báo cháy, sân khấu chèo cổ, sa bàn trận Điện Biên Phủ... Các sản phẩm không chỉ thể hiện sự khéo léo, tư duy thiết kế, mà còn lan tỏa thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và gìn giữ văn hóa truyền thống. Đặc biệt, việc lồng ghép kiến thức Toán học, Địa lý, Lịch sử qua các mô hình ẩm thực, trò chơi dân gian... đã mang đến trải nghiệm học tập sinh động, gần gũi, giúp học sinh thêm yêu thích môn học và tự hào về quê hương Thái Bình.

Tiêu biểu trong ngày hội là sản phẩm “Trái tim Đan-kô” của lớp 11A6, lấy cảm hứng từ truyện ngắn “Người cầm đuốc của Maxim Gorky” tác phẩm ca ngợi lý tưởng sống vì cộng đồng. Sản phẩm được thiết kế theo mô hình ba chiều, sử dụng vật liệu thủ công kết hợp tái chế như bìa cứng, vải, giấy màu... Không chỉ dừng lại ở tái hiện nội dung văn học, sản phẩm còn cho thấy khả năng tư duy liên môn và cảm thụ nghệ thuật sâu sắc. Phần trình bày phụ (giới thiệu tác giả, quá trình thực hiện, thông điệp sản phẩm) được thiết kế rõ ràng, khoa học. Chia sẻ về quá trình tham gia, em Hoàng Thái Hà, học sinh lớp 11A6 cho biết: Em rất hứng thú khi được thiết kế và hoàn thiện sản phẩm cùng các bạn. Quá trình đó giúp em rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và đặc biệt là thuyết trình ý tưởng một cách tự tin. Em thấy mình học được nhiều điều và có thêm động lực để khám phá các môn học. Theo cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên nhà trường: Việc hướng dẫn học sinh làm sản phẩm STEAM giúp các em chủ động hơn trong học tập, biết cách áp dụng kiến thức vào thực tiễn và trân trọng giá trị của quá trình sáng tạo. Dù sản phẩm còn đơn giản, nhưng hành trình cùng nhau lên ý tưởng, hợp tác và vượt qua thử thách mới là điều đáng quý.

Các em học sinh khối lớp 1, Trường Tiểu học, THCS và THPT Quách Đình Bảo tham gia làm sản phẩm STEAM/STEM.

Để mô hình STEAM/STEM phát triển hiệu quả, nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: tích hợp nội dung vào chương trình chính khóa; đầu tư cơ sở vật chất như máy tính, internet; tổ chức tập huấn định kỳ cho giáo viên; ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy; phối hợp với các trường đại học mở rộng cơ hội tiếp cận công nghệ mới. Nhà trường cũng khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật, sáng tạo trẻ, đại sứ văn hóa đọc... nhằm tạo sân chơi học thuật bổ ích, đồng thời đưa tiêu chí STEAM/STEM vào công tác thi đua, khen thưởng. Ông Nguyễn Xuân Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS và THPT Quách Đình Bảo cho biết: Chúng tôi xác định giáo dục STEAM/STEM không chỉ là một phương pháp dạy học, mà còn là định hướng phát triển toàn diện cho học sinh trong thời đại mới. Mô hình này giúp học sinh phát huy năng lực cá nhân, nuôi dưỡng đam mê khoa học và ý thức trách nhiệm với cộng đồng, môi trường và văn hóa địa phương. Nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động STEAM/STEM để tạo dựng môi trường học tập hiện đại, sáng tạo và nhân văn.

Việc triển khai hiệu quả giáo dục STEAM/STEM tại nhà trường là minh chứng cho tư duy giáo dục đổi mới, góp phần hình thành thế hệ học sinh tự tin, bản lĩnh, giàu kỹ năng và thích ứng linh hoạt với sự phát triển của xã hội hiện đại.

Xuân Phương