Chủ nhật, 04/05/2025, 14:23[GMT+7]

Dấu ấn phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Chủ nhật, 04/05/2025 | 07:01:22
138 lượt xem
Khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, hoạt động KHCN của tỉnh Thái Bình đã khởi sắc và có nhiều dấu ấn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất hoa tuylip.

Nhiều dấu ấn nổi bật 

Nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KHCN, những năm qua, Thái Bình đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị. Toàn tỉnh hiện có 30 phòng thí nghiệm, thử nghiệm chuyên ngành phục vụ công tác nghiên cứu, quản lý và sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực: Hóa, lý, sinh học, giống cây trồng, vệ sinh dịch tễ, dược phẩm, môi trường, điện, cơ học, xây dựng, đo lường, hiệu chuẩn... tập trung chủ yếu trong các tổ chức KHCN và 7 phòng thử nghiệm đạt chuẩn quốc gia VILAS, 6 phòng thử nghiệm đạt chuẩn LAS. 

Bên cạnh đó, việc ứng dụng KHCN trong thực tiễn sản xuất cũng đã được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh, tiêu biểu như: Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor, Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa, Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed... Ông Trần Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa cho biết: Là doanh nghiệp KHCN, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất máy phục vụ nông nghiệp, Công ty chúng tôi luôn tích cực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Các dòng sản phẩm chính của Công ty bao gồm: máy cấy lúa sử dụng động cơ điện một chiều, máy cấy lúa sử dụng động cơ xăng, máy cấy lúa đa năng... phù hợp với địa hình thổ nhưỡng của Việt Nam, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho bà con nông dân, tăng năng suất cấy lúa lên gấp 20 lần so với phương pháp cấy bằng tay truyền thống. Mỗi năm, Công ty bố trí khoảng 10 - 15% doanh thu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. 

Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, phát triển KHCN trong doanh nghiệp, các lĩnh vực KHCN của tỉnh cũng đã đạt được một số kết quả tích cực. Nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đã có hàng trăm giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, đưa vào sản xuất như: khoai tây Hà Lan, măng tây xanh, mướp đắng xanh... Trong lĩnh vực y tế, nhiều trang thiết bị sử dụng công nghệ hiện đại, nhiều kỹ thuật mới đã được ứng dụng vào công tác khám chữa bệnh, công tác y tế dự phòng, sản xuất dược phẩm - vật tư y tế. Đến nay, 100% cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện đã triển khai việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chip... Trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, đã tập trung nghiên cứu, phát triển công nghệ mới áp dụng vào sản xuất, đời sống, điển hình như: ứng dụng giải pháp điều khiển thông minh hệ thống cống ngăn mặn và điều tiết nước phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng mô hình ứng dụng camera và công nghệ thông minh trong hỗ trợ giám sát an ninh cấp xã trên địa bàn tỉnh... 

Có thể khẳng định, việc phát triển KHCN trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện đồng bộ trên tất cả các ngành, lĩnh vực, gắn bó chặt chẽ với sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. 

Đột phá phát triển theo Nghị quyết số 57 

Những năm qua, để thúc đẩy hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch, đề án về phát triển hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo tại địa phương; đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý nhiệm vụ, đề tài khoa học cấp quốc gia, cấp tỉnh. Sở cũng thường xuyên liên hệ, nắm bắt thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của hai doanh nghiệp KHCN trên địa bàn tỉnh để thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; hỗ trợ một số doanh nghiệp trong tỉnh tham gia hội chợ công nghệ thiết bị, hội nghị kết nối cung cầu do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Riêng trong năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện quản lý tốt 4 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi và 49 đề tài KHCN cấp tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục 30 đề tài KHCN cấp tỉnh thực hiện từ năm 2025. Sở cũng đã hỗ trợ, tạo cơ hội để một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kết nối các sản phẩm KHCN tới các tổ chức trong và ngoài nước. 

Với những giải pháp đồng bộ đã được triển khai, các hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra, hệ thống đổi mới sáng tạo được hình thành và phát triển theo hướng lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong bối cảnh cuộc cách mạng chuyển đổi số, lần đầu tiên tại Nghị quyết số 57, KHCN cùng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được đặt lên vị trí “là đột phá quan trọng hàng đầu” với những mục tiêu quan trọng, cụ thể cùng các giải pháp quyết liệt chưa từng có. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 57, ngày 12/2/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 41- CTr/TU; ngày 13/2/2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND với các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể. 

Đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 41 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 26 của UBND tỉnh đến các cấp, ngành, đơn vị và các tầng lớp nhân dân; xây dựng dự thảo quản lý các nhiệm vụ KHCN trong đó xác định những nhiệm vụ KHCN ưu tiên thực hiện. Ông Nguyễn Văn Dực, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Sở sẽ tiếp tục xây dựng các chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền Nghị quyết số 57, đồng thời tôn vinh những tổ chức, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong hoạt động phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cơ chế, chính sách phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Ban hành chương trình khung và danh mục nhiệm vụ KHCN ưu tiên thực hiện trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2030 làm căn cứ xây dựng, triển khai dự án trọng điểm cho các lĩnh vực có tiềm năng để thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tập trung hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển KHCN. Xây dựng chương trình hợp tác với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu trong và ngoài nước để hỗ trợ, phát triển hạ tầng cho KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Sở cũng đẩy mạnh các hoạt động trung gian của thị trường KHCN; khuyến khích phát triển doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp số, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các tổ chức dịch vụ KHCN; tăng cường xúc tiến thị trường KHCN và hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Công nhân Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa chế tạo, lắp ráp máy cấy.

Thu Hoài