Thứ 2, 19/05/2025, 12:18[GMT+7]

Gà Tò - đừng chỉ còn trong hoài niệm

Thứ 2, 13/06/2016 | 08:28:36
8,105 lượt xem
Cùng anh bạn đồng nghiệp về xã An Mỹ (Quỳnh Phụ), tôi những mong được tận mắt nhìn thấy những chú gà Tò quý hiếm. Vậy nhưng, như một hệ quả tất yếu của nền kinh tế thị trường, chẳng còn mấy người dân mặn mà với giống gà tiến vua ngày nào.

Những ngày cuối tháng 5, dù trời nắng chói chang nhưng hơn 30km từ thành phố Thái Bình về đến xã An Mỹ, tôi vẫn không khỏi xuýt xoa, vui mừng khi ngắm nhìn những cánh đồng lúa trữu bông, xanh mướt thẳng cánh cò bay, những con đường bê tông sạch đẹp, những băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền... Quả thực, nông thôn mới đã giúp làng quê đổi thay từng ngày, đường làng ngõ xóm khang trang, diện mạo nông thôn nhiều khởi sắc. Niềm vui trong lòng cứ rộn rã khi nghĩ tới giữa nhịp sống hiện đại những giá trị văn hóa cổ truyền tốt đẹp vẫn được gìn giữ, bảo lưu.

"Gà Tò, lợn Tó, vó Vân Ðồn"

Theo lịch đã hẹn, chúng tôi sẽ tới thăm một gia đình có đàn gà Tò nhiều nhất xã An Mỹ, đó là nhà ông Ðỗ Văn Chiến với 30 chú gà Tò. Tuy nhiên, khi tới trụ sở xã, kế hoạch buộc phải thay đổi khi chúng tôi nhận được thông tin gia đình ông Chiến mới bán hết đàn gà Tò. Tự nhủ không có đàn gà này thì còn đàn gà khác, anh bạn đồng nghiệp cố gặng hỏi địa chỉ bất kỳ hộ nào còn nuôi giống gà tiến vua quý hiếm vì quả thực, dù đã về Quỳnh Phụ bao lần nhưng "chưa khi nào được tận mắt nhìn thấy gà Tò cả!".

Trái ngược với tinh thần phấn chấn, đầy hứng khởi trên suốt quãng đường đi, cuộc trò chuyện với đồng chí Bí thư Ðảng ủy xã An Mỹ đôi lần "đi vào ngõ cụt" khiến tôi không khỏi nản lòng. Những câu: tiếc quá..., giá mà... vẫn cứ được thốt lên. Chặng đường đến với giống gà quý giá của cha ông cũng lắm gian nan!

Ðồng chí Bí thư Ðảng ủy xã An Mỹ chia sẻ: Cách đây tầm chục năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã đầu tư kinh phí khôi phục lại giống gà Tò. Tuy nhiên, đặc điểm của giống gà này thời gian nuôi rất lâu, tới cả năm trời, chỉ ưa thóc, rất tốn kém về kinh tế mà có khi không được giá. Thỉnh thoảng lắm mới có mấy nhà từ Hà Nội về thì người nuôi mới bán được với giá khoảng 1 triệu đồng/con, còn không, gà Tò giá thành cũng chỉ nhỉnh hơn những loại gà khác mà thôi. Thêm vào đó, gà Tò có lớp lông phủ dọc từ bàn chân tới đùi nên không được vệ sinh, hay dây bẩn khiến cho người nuôi không còn ưa chuộng.

Những năm gần đây, ở xã An Mỹ cũng chỉ còn ít gia đình nuôi gà Tò theo kiểu nhỏ lẻ một vài con. Gia đình ông Ðỗ Văn Chiến có đàn gà Tò nhiều nhất, tuy nhiên, do hoàn cảnh bận mải, 30 con gà đã bán, có lẽ ông sẽ không tiếp tục nuôi gà Tò nữa. Tôi cứ miên man theo dòng suy nghĩ: "Gà Tò, lợn Tó, vó Vân Ðồn", câu ca dao xưa về những đặc sản của vùng đồng bằng sông Hồng phù sa màu mỡ nay chẳng lẽ chỉ còn trong hoài niệm.

Báu vật vua ban

Tuổi đã ngoài thất thập, ông Vũ Ðình Hải ở thôn Tô Xuyên, xã An Mỹ tâm sự: Giờ muốn nuôi nhưng tìm giống gà Tò thuần chủng rất khó. Gà Tò tuy thịt thơm ngon nhưng so với những giống gà khác năng suất không cao, cả năm mới được bán nên hơn 30 năm qua gà Tò không được người nuôi ưa chuộng.

May mắn thay, cuối cùng đồng chí Bí thư Ðảng ủy xã An Mỹ cũng tìm được một gia đình hiện còn nuôi hai chú gà Tò (một con trống, một con mái). Ðó là gia đình ông Vũ Văn Huệ. Ông Huệ trước đi bộ đội là lính không quân, tham gia chiến đấu tại sân bay Ðà Nẵng. Câu chuyện bỗng chốc trở nên thân mật, gần gũi khi hai người, một đã từng vào sinh ra tử là ông Huệ, một đã từng khoác lên mình màu xanh áo lính là anh bạn đồng nghiệp của tôi cùng ôn lại những kỷ niệm thời quân ngũ.

Ông Huệ tâm sự, cả chợ Tò trước đây có mỗi mẹ ông là bán hàng. Mẹ ông cũng gọi là bà Tò, anh trai ông cũng gọi là anh Tò. Vậy nên giờ có con gà Tò cả nhà giữ như giữ ấn vua ban. Năm trước, có người từ Hà Nội về, thích lắm, trả 1 triệu đồng/con mà ông không bán. Bạn bè đồng ngũ, anh em trong xóm ngoài làng cũng dặn để cho một con nhưng ấp cả đàn may ra 1 - 2 con mới có lông trùm ở chân, đó mới là chuẩn gà Tò. Ðợt này nắng nóng quá, gia đình ông đang cho ấp tiếp một đàn mà chẳng biết có được con nào không...

Biết chúng tôi về viết bài, ông Huệ cứ say sưa kể thịt gà Tò thơm ngon ra sao, da gà Tò khi luộc lên vàng đẹp thế nào, đặc biệt, mào gà Tò mà trang trí mâm cơm khi nhà có đám cưới hay lễ tết thì không còn gì bằng. Tôi chợt hỏi: Gà Tò có lông trùm ở chân, hay dây bẩn mà gia đình vẫn nuôi ạ? Ông Huệ cười hề hề: Vệ sinh chứ! Cả sân, cả chuồng đều đã đổ bê tông, có vòi nước đây, không sạch là xịt nước ngay nên con gà lúc nào cũng sạch đẹp.

Thì ra, việc gì cũng có cách giải quyết. Quan trọng là ở người dân, liệu họ có mong muốn bảo tồn giống gà quý của cha ông hay không? Và quan trọng hơn nữa, để gìn giữ được giống gà Tò thuần chủng cần có sự góp sức của các nhà khoa học, các cơ quan có thẩm quyền. Ðược như vậy, báu vật gà Tò mới không chỉ còn trong những câu chuyện kể với thế hệ mai sau.

Anh Tú

  • Từ khóa