Thứ 7, 26/04/2025, 01:55[GMT+7]

Mất phanh và cách phòng tránh

Thứ 6, 25/04/2025 | 09:04:01
337 lượt xem
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất phanh, như cách vận hành hoặc bộ phận hao mòn, tài xế cần hiểu kỹ để lái xe an toàn hơn.

Hệ thống phanh đĩa trên ôtô đang được kiểm tra và bảo dưỡng. Ảnh: Autocare-centre

"Mất phanh" là cụm từ thường dùng để chỉ hệ thống phanh của xe không hoạt động, khiến xe không còn khả năng giảm tốc. Có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng này mà tài xế cần biết, nhằm thực hiện các biện pháp phòng ngừa hoặc giảm thiểu rủi ro nếu gặp phải.

Hao mòn cơ khí

Một trong những nguyên nhân khiến phanh mất tác dụng phổ biến nhất là hao mòn cơ khí, tức các linh kiện ở cụm phanh không còn đúng tiêu chuẩn ban đầu của nhà sản xuất, hoặc ở dưới ngưỡng quy định. Các bộ phận hao mòn có thể là má phanh, đĩa phanh hoặc dầu phanh nếu sử dụng phanh đĩa. Đối với phanh đùm (phanh tang trống), các bộ phận này có thể là guốc phanh, lò xo hoặc dây cáp.

Sự hao mòn của các bộ phận trên diễn ra từ từ trong quá trình sử dụng xe. Càng sử dụng phanh nhiều (ví dụ như thường xuyên đi đường đèo dốc), hao mòn diễn ra càng nhanh.

Trung bình, má phanh ôtô có độ bền 40.000-100.000 km, đĩa phanh là 80.000-160.000 km, guốc phanh (phanh tang trống) là 50.000-65.000 km; ba bộ phận này trên xe máy có độ bền tương ứng là 15.000-40.000 km, 20.000-50.000 km, và 20.000-30.000 km. Khi các bộ phận này mòn và cần phải thay, xe thường phát ra tiếng động như kim loại ma sát với nhau, đồng thời phanh giảm tác dụng.

Đối với dầu phanh, các nhà sản xuất thường khuyến cáo nên thay thế mỗi 2-3 năm. Dầu phanh có tính hút ẩm từ không khí, nếu quá lâu không thay có thể dẫn đến hệ thống phanh bị ăn mòn, làm giảm hiệu quả phanh hoặc gây hư hỏng.

Đối với các xe sử dụng phanh đùm, dây cáp bị mòn, giãn cũng là hiện tượng có thể gặp trong quá trình sử dụng xe, nhất là ở những môi trường ẩm cao hoặc nhiều bụi đất. Bộ phận này thường được khuyến cáo kiểm tra và thay thế mỗi 2-3 năm.

Quá nhiệt hệ thống phanh

Sử dụng phanh liên tục (ví dụ như đổ dốc dài) có thể khiến các bộ phận như má phanh, piston đẩy hoặc đĩa phanh nóng lên, hoặc làm sôi dầu phanh. Việc này dễ xảy ra hơn nếu tài xế không bảo dưỡng hoặc thay thế các linh kiện bị hao mòn một cách thường xuyên, đúng định kỳ.

Đĩa phanh nóng đỏ khi dùng phanh liên tục trong thời gian dài. Ảnh: Autodoc

Đĩa phanh nóng đỏ khi dùng phanh liên tục trong thời gian dài. Ảnh: Autodoc

Khi hệ thống phanh bị quá nhiệt, cơ cấu phanh sẽ không thể hoạt động đúng như thiết kế của nhà sản xuất, ví dụ như tài xế không thể bóp phanh vì kẹt piston, đĩa phanh nóng gây ra hiện tượng cong méo, dầu phanh sôi khiến bục đường ống và mất áp suất để tạo lực đẩy của piston kẹp đĩa phanh.

Nếu đĩa phanh nóng, tài xế có thể dừng xe để chờ nguội rồi mới lái xe tiếp. Lưu ý không phun nước để làm mát đĩa phanh, vì thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể khiến đĩa phanh cong vênh. Nếu đường ống dầu phanh bị bục, cách thức duy nhất là sửa chữa và bơm lại dầu ở các trung tâm sửa chữa uy tín.

Mẹo dùng phanh để tránh quá nhiệt

Không bóp/đạp phanh liên tục trong thời gian dài là yếu tố chính giúp hệ thống phanh không bị quá nhiệt, nhất là khi xe thả dốc liên tục. Tài xế có thể dùng kỹ năng nhấp nhả khi phanh để hệ thống có khoảng thời gian được làm nguội bởi gió. Nếu dốc quá dài, mỗi 1-2 giờ tài xế có thể dừng xe khoảng 5-10 phút để phanh có thể nguội, sau đó mới di chuyển tiếp.

Bên cạnh đó, tài xế cần tận dụng lực hãm từ "phanh động cơ" khi xe xuống dốc. Trên xe máy xe số, tài xế cần về số thấp và không "âm côn". Với xe tay ga, tài xế cần mớm ga ở tốc độ thấp, khi vòng tua xuống thấp (động cơ không còn gầm, tiếng máy êm) để ly hợp luôn bám. Đối với ôtô số tự động, tài xế cần về số thấp (L hoặc 1, 2 trên cần số) hoặc sử dụng lẫy chuyển số sau vô-lăng để giảm số. Kỹ năng này giúp xe có thể giảm tốc hiệu quả khi xuống dốc mà không cần phải phụ thuộc vào hệ thống phanh, qua đó tránh tình trạng phanh bị quá nhiệt.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày