Thứ 2, 19/05/2025, 16:36[GMT+7]

Độc đáo múa kéo chữ lễ hội làng La Vân

Thứ 2, 19/05/2025 | 09:14:18
489 lượt xem
Lễ hội làng La Vân, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) là 1 trong 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Thái Bình được công nhận vào năm 2024. Đến với lễ hội làng La Vân, du khách không chỉ được nghe những câu chuyện xoay quanh các nhân vật được thờ tự mà còn được hiểu hơn về tinh thần thượng võ thông qua nghệ thuật múa kéo chữ. Điệu múa này giàu tính cộng đồng với các động tác uyển chuyển của vũ đạo dân gian, thể hiện ước vọng hòa bình - nét đẹp nhân văn cổ truyền trong tâm thức người Việt.

Lễ hội làng La Vân, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) thường xuyên duy trì múa kéo chữ.

Không gian văn hóa đặc sắc

Làng La Vân xưa có tên là La Miên, vào năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) vì kiêng tên húy của nhà vua nên làng đổi tên thành làng La Vân. Hơn 700 năm về trước, La Miên nằm trong bình tuyến quân sự phía Bắc của quân đội nhà Trần và là hậu phương góp phần cùng Đại Mẫn, A Sào, Đào Động cung cấp sức người, sức của trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông. Lễ hội làng La Vân diễn ra tại đền La Vân thuộc quần thể khu di tích đình - đền - chùa La Vân đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1989. Đền La Vân là nơi thờ Quốc sư Triều Lý - Nguyễn Minh Không - người có công chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông. Công trạng của vị thiền sư đối với làng La Vân xưa đã được các triều đại phong kiến sắc phong, ban cho dân làng La Vân phụng thờ và ca ngợi. Hiện nay, đền còn lưu giữ được 22 sắc phong có niên đại từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn. Hàng năm, hội làng La Vân mở 2 kỳ, trong đó, kỳ hội lệ vào ngày mùng 4 tết Nguyên đán nhằm ghi nhớ công lao của vị thiền sư đã truyền nghề trồng bèo hoa dâu giúp dân làng cải thiện đời sống. Hội chính được tổ chức vào cuối tháng 3 âm lịch hàng năm với nhiều nghi lễ cổ, trò chơi, trò diễn dân gian, trong đó múa kéo chữ năm nào cũng được tổ chức với hàng trăm người tham gia, thu hút nhân dân địa phương, du khách thập phương tham quan, tìm hiểu.

Ông Nguyễn Đỗ Tuân, công chức văn hóa xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) chia sẻ: Gìn giữ di sản, hàng năm lễ hội làng mang đậm giá trị truyền thống. Mọi người con của làng đều chung tay vào việc tổ chức lễ hội và gìn giữ nét đẹp văn hóa, kiến trúc của di tích. Những năm gần đây, nhằm nỗ lực bảo tồn múa kéo chữ, ban quản lý di tích tích cực phối hợp cùng các trường học để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Trong đó, Trường THCS Quỳnh Hồng đã tổ chức giờ học chuyên đề tại di sản, quan tâm bồi đắp cho học sinh các khối lớp về truyền thống lịch sử, vẻ đẹp múa kéo chữ. Vào kỳ hội làng, song song với chương trình múa kéo chữ của dân làng còn có màn múa kéo chữ do các em học sinh của Trường đảm nhận, thu hút rất đông nhân dân tham gia cổ vũ.

Trong trang phục truyền thống, học sinh tham gia múa kéo chữ duy trì nét đẹp văn hóa cổ truyền.

Độc đáo trong lễ hội làng

Tương truyền, múa kéo chữ là việc nghệ thuật hóa hoạt động tập luyện của đức Thành hoàng làng trong quá trình giúp vua Lý đánh giặc Chiêm Thành. Cũng có ý kiến cho rằng đây là việc luyện tập của quân sĩ dưới triều Trần nên đạo cụ múa là cờ trận và gậy tre. Chia sẻ về nét độc đáo trong lễ hội làng, bà Đào Thị Hương, đội múa kéo chữ làng La Vân cho biết: Đội hình múa kéo chữ có 120 người tham gia. Các đội hình múa di chuyển theo các lớp rải khung môn, bát môn, chạy sắp, bổ dồn, xoáy ốc... để xếp thành 4 chữ theo lần lượt THIÊN - HẠ - THÁI - BÌNH (theo tự dạng chữ Hán) đậm tính thượng võ như một cuộc duyệt binh.

Năm nào cũng vậy, từ trước ngày khai hội 1 - 2 tháng, các bậc cao niên trong làng họp để cử ra một người tổng loa chỉ huy chung, chọn tổng cờ cho các thập, đồng thời, chọn người cầm cờ sai và phân bổ quân cho các thập để tập luyện. Đội hình múa kéo chữ được xếp thành hai bên tả hữu. Mỗi đạo thành 4 hàng (bốn dây). Mỗi bên có 8 tổng cờ (các tổng cờ đại diện cho các vị tướng trong quân). Nhiệm vụ của các tổng cờ là đi đầu các hàng quân (gọi là dây cờ), di chuyển theo hiệu lệnh của người tổng chỉ huy. Nhiệm vụ của 4 cờ sai là giữ đúng dây, đúng hàng, điều tiết vị trí cho các tổng cờ và quân di chuyển, đứng, ngồi theo nét chữ. Nội dung trò kéo chữ gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 mô phỏng cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; giai đoạn 2 đoàn quân thắng trận trở về kéo chữ mừng công.

Đồng hành cùng 120 em học sinh trong màn múa kéo chữ tại lễ hội làng La Vân, thầy giáo Nguyễn Danh Tuấn, Trường THCS Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) thông tin: Không chỉ biểu diễn tại lễ hội của làng, học sinh nhà trường đã lan tỏa vẻ đẹp múa kéo chữ trong ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Các em ý thức được việc chung tay gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của quê hương, hiểu được nét độc đáo, hùng tráng cũng như khí thế và tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng trong trận đồ của ông cha ta.

Còn với em Hoàng Minh Anh, học sinh khối lớp 7, Trường THCS Quỳnh Hồng trong vai trò tổng cờ, em cảm thấy vinh dự như một vị tướng được giao trọng trách dàn binh bố trận. Hoàng Minh Anh chia sẻ: Tập luyện múa kéo chữ không chỉ mang ý nghĩa về mặt tinh thần mà còn là hoạt động khiến cho chúng em thêm hăng say rèn luyện sức khỏe thể chất.

Trong tiếng chiêng trống rộn rã, tiếng hô vang náo nhiệt của đoàn quân, mỗi cô cậu học trò như hiểu tường tận hơn về tinh thần thượng võ đã làm nên chiến công oanh liệt. Sau hội làng, dư âm điệu múa kéo chữ còn vang vọng, trở thành động lực để thế hệ hôm nay hăng say rèn luyện, tiếp nối truyền thống quê hương.

Tú Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày