Thứ 5, 22/05/2025, 01:17[GMT+7]

Chuyện chép ở 115

Thứ 3, 22/01/2013 | 08:13:21
833 lượt xem
Không thể nào nêu được thật đầy đủ những nhiệt huyết, vất vả, khó khăn của cán bộ, nhân viên Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115. Chỉ biết rằng, mỗi ngày đều là cuộc chiến đấu không cân sức giữa một bên là bàn tay, khối óc và lương tâm người thầy thuốc và bên kia là thần chết. Chần chừ, do dự một chút thôi là tính mạng con người sẽ bị thần chết cướp đi. Mồ hôi và có lúc cả nước mắt của sự sung sướng khi một sự sống được giành lại.

Sơ cấp cứu bệnh nhân trên xe vận chuyển

Thân quen với Giám đốc Trần Văn Bội đã lâu, nhiều lần vào làm việc để nghe anh kể về Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115... nhưng chưa một lần nào được dự hội nghị tổng kết năm và triển khai nhiệm vụ năm mới, lần này là ngoại lệ. Anh mời 8 giờ, vậy mà đã quá 30 phút vẫn chưa có người đến họp. Mấy anh bạn đồng nghiệp ở Đài Truyền hình xem chừng đã thấy sốt ruột. Giám đốc Bội giải thích. Đặc thù của Trung tâm là như vậy, không có việc gì quan trọng hơn là cấp cứu, chờ chút nữa anh em về ta họp.

9 giờ, chúng tôi vào phòng họp. 41 cán bộ nhân viên mà nhẩm tính mới được 2/3 quân số. Mấy anh bạn trẻ còn đùn đẩy nhau không ngồi vào trong, vì lý do rất chính đáng. Nhỡ có điện thoại 115 đi cho nhanh. Không khí hội nghị thật thoải mái, không e dè là có khách các ý kiến phát biểu rất thẳng thắn. Họ lo cho tình trạng xe cấp cứu đã cũ, nát. Băn khoăn vì đường vào ngõ, xóm cứ bị cản trở bởi các cọc chắn đường, xe không vào được tận nhà để cấp cứu bệnh nhân. Rồi tình trạng trang thiết bị không đủ, đời sống của anh em thấp so với sự cống hiến, cần có các nguồn thu trong khả năng cho phép để cải thiện đời sống.

Cái bất lực làm day dứt các thầy thuốc, lái xe ở 115 chính là các điều kiện phục vụ cấp cứu thiếu thốn: Thiếu máy thở, máy phân áp ôxy; cần tăng thêm túi chườm hạt và mua nôi cho các cháu nằm trên đường vận chuyển cấp cứu. Có lẽ, trên đất nước  này chưa có nơi nào vận chuyển bé sơ sinh 6 lạng, 8 lạng đi Hà Nội cấp cứu lại thành công như ở Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115. Những chuyện như thế chúng tôi không được nghe, được thấy, âu cũng là sự mắc nợ của báo chí với các anh.

Nhưng, có nhiều ca bệnh hiểm nghèo được chính các anh kể lại như: Hồi 11 giờ 5 phút ngày 8/2/2012, Bệnh viện Hoàng An gọi cấp cứu bệnh nhân Đặng Thị Nguyên 44 tuổi ở Vũ Tiến (Vũ Thư) chẩn đoán chửa ngoài tử cung vỡ, đã chi viện kíp mổ, máu và mổ cấp cứu cắt khối chửa, khâu cầm máu, truyền 5 đơn vị máu o, sau mổ bệnh nhân, mạch, huyết áp ổn định. Ca này, Trung tâm phải điều động 3 chuyến xe phục vụ.

Hồi 23 giờ ngày 30/4/2012, Bệnh viện Vũ Thư xin truyền máu cho bệnh nhân Đỗ Thị Xuyên, 40 tuổi (Đồng Thanh – Vũ Thư) chẩn đoán: Thiếu máu sau đẻ. Xe cấp cứu mang 1.000ml máu B xuống truyền cho bệnh nhân, kiểm tra thấy tình trạng bệnh nhân nặng, trụy mạch; đã hội chẩn xin chi viện kỹ thuật mổ cấp cứu tại bệnh viện huyện; cắt tử cung, truyền thêm 750ml máu B. Sau mổ bệnh nhân khá hơn, mạch, huyết áp ổn định.

Vận chuyển bệnh nhân lên tuyến Trung ương

Hồi 18 giờ ngày 8/5/2012, Bệnh viện Thành phố gọi cấp cứu bệnh nhân Đỗ Thị Thu 32 tuổi (Trần Lãm – Thành phố) bị băng huyết sau đẻ, do đỡ liệt tử  cung, đã chi viện kíp mổ, máu và  mổ cấp cứu cắt tử cung, khâu cầm máu, truyền 2.000ml máu B, bệnh nhân đã có mạch, huyết áp ổn định, để lại bệnh viện điều trị tiếp.

Hồi 8 giờ 15 phút ngày 3/6/2012, trạm y tế Minh Hưng gọi cấp cứu bệnh nhân Trần Thị Nhàn  35 tuổi, quê Minh Hưng (Kiến Xương) bị trụy mạch chưa rõ nguyên nhân, xe 115 xuống chẩn đoán chửa ngoài tử cung vỡ, các bác sĩ đã cùng y tế xã hồi sức tích cực, xin chi viện kỹ thuật, mổ cấp cứu cắt khối chửa, khâu cầm máu, truyền 1.100ml máu o, sau mổ bệnh nhân, mạch, huyết áp ổn định, để lại điều trị tiếp tại trạm y tế.

Hồi 12 giờ 5 phút ngày 28/6/2012, Bệnh viện Nam Trung gọi cấp cứu bệnh nhân Trương Văn Cung 36 tuổi, ở Nam Thanh (Tiền Hải) bị vết thương thấu bụng do tai nạn lao động, đã chi viện kỹ thuật, máu và mổ cấp cứu tại bệnh viện Nam Trung, khâu cầm máu, do vết thương phức tạp, đã hồi sức tích cực chuyển về khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh mổ, sau chuyển Bệnh viện Việt Đức, đã được cứu sống.

Hồi 7 giờ 15 phút ngày 4/7/2012, Bệnh viện Hưng  Nhân xin truyền máu cho bệnh nhân Phạm Thị Ái 28 tuổi, quê Hòa Tiến (Hưng Hà) chẩn đoán: Rau tiền đạo, băng huyết, bệnh viện đã mổ truyền 750ml máu A. Đến 9 giờ 5 phút xin truyền tiếp 250 ml máu A + 600ml khối hồng cầu A, đến 10 giờ 20 phút xin chi viện kíp mổ, mổ lại, cắt tử cung, khâu cầm máu, truyền 4 đơn vị máu A, bệnh nhân mạch, huyết áp ổn định để lại; đến 11 giờ 30 phút ngày 25/7/2012, Bệnh viện Đông Hưng xin cấp cứu bệnh nhân Phạm Văn Châu 47 tuổi, ở Đông Sơn (Đông Hưng) bị vỡ gan do tai nạn giao thông, đã chi viện kỹ thuật mổ cấp cứu tại bệnh viện huyện, khâu cầm máu, truyền 1750 ml máu o, sau mổ tình trạng bệnh nhân vẫn nặng nề, đã hồi sức tích cực, chuyển về khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hồi 7 giờ 15 ngày 20/8/2012, Bệnh viện Thụy Anh gọi cấp cứu bệnh nhân Đặng Thị Thu Hồng 28 tuổi, chẩn đoán băng huyết sau đẻ, đã chi viện kỹ thuật mổ cấp cứu tại huyện, cắt tử cung, khâu cầm máu, truyền máu... mạch, huyết áp ổn định...

Những dòng chữ như nêu trên vẫn còn được ghi rất dài, không thể nào nêu được thật đầy đủ. Chỉ biết rằng, mỗi dòng chữ như thế đều là cuộc chiến đấu không cân sức giữa một bên là bàn tay, khối óc và lương tâm người thầy thuốc và bên kia là thần chết. Chần chừ, do dự một chút thôi là tính mạng con người sẽ bị thần chết cướp đi. Mồ hôi và có lúc cả nước mắt của sự sung sướng thấm đẫm trên mỗi câu, mỗi chữ được thống kê tưởng như rất khô khan ấy. Đang ăn cơm, một số bác sĩ, lái xe vội vã lao xuống sân, nổ máy và tiếng còi 115 lại âm vang trên đường phố.  Một lái xe tuổi đã cao, từng lái xe trên đường Trường Sơn, bữa ăn liên hoan cuối năm phải bỏ lại để lên đường đi Hà Nội ngay. Ở Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 chuyện họp không đủ người ăn không đủ mâm, đã là thường xuyên; họ chấp nhận hy sinh để giành sự sống cho bệnh nhân. Đó là điều cần nói, chuyện cấp chép ở 115.

Bài: Phạm Viết Thanh

Ảnh: Phan Lợi

  • Từ khóa