Thứ 2, 26/05/2025, 12:09[GMT+7]

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận

Thứ 2, 26/05/2025 | 08:44:08
259 lượt xem
Bám sát các nhiệm vụ đã được chỉ ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, hệ thống dân vận các cấp trên địa bàn tỉnh tập trung tham mưu cấp ủy đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đoàn viên, thanh niên huyện Tiền Hải hướng dẫn người dân góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 qua các nền tảng số.

Bám sát nhiệm vụ trọng tâm 

Người xưa có câu “tấc đất, tấc vàng”, nhưng khi triển khai dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐH.36 qua xã Đông Quang (Tiền Hải), hàng trăm hộ dân đã tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất, thể hiện tinh thần vì cộng đồng, tạo điều kiện mở rộng hạ tầng giao thông. Ông Đặng Xuân Lãng, thôn Phong Lai chia sẻ: Con đường này trước đây chỉ rộng khoảng 5m, các phương tiện vận tải lớn đi lại khó khăn, nhiều đoạn xuống cấp do đường xây dựng cách đây đã khá lâu. Vì vậy, khi có chủ trương nâng cấp, mở rộng tuyến đường, bà con đều phấn khởi, tuy nhiên cũng khá e dè vì các gia đình đều xây dựng các công trình kiên cố trên đất. Sau khi được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ xã tới thôn tuyên truyền, vận động, vì lợi ích chung nên các gia đình bảo nhau cùng hiến đất để mở rộng đường. Gia đình tôi đã hiến 25m2 đất ở, đồng thời tháo dỡ toàn bộ tường bao, cổng dậu. Hiện nay, mặt đường được mở rộng lên 7,5m nếu tính cả vỉa hè 2 bên là 12m, giao thương đi lại rất thuận lợi. Ông Trần Văn Khiêu, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Quang cho biết: Tuyến đường ĐH.36 đoạn qua địa bàn xã dài khoảng 2,3km khi triển khai nâng cấp, mở rộng có liên quan đến đất của 337 hộ dân. Để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn đã thành lập các tổ vận động tới từng nhà tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu được con đường hoàn thành người hưởng lợi trước hết là người dân ở hai bên đường, đồng thời thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển. Ngoài ra, chúng tôi đề cao tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; kịp thời biểu dương những hộ gương mẫu đi đầu trong hiến đất và tài sản trên đất để mở rộng đường từ đó tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân. Đến nay, các hộ đã hiến gần 2.900m2 đất, tháo dỡ trên 1.500m2 mái tôn và mái nhà kiên cố, tháo dỡ trên 1.200m cổng dậu... trị giá hàng chục tỷ đồng để mở rộng đường.

Theo ông Lương Chiến Thành, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Tiền Hải: Thời gian qua, công tác dân vận luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của huyện để tập trung tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ các công trình, dự án trên địa bàn huyện. Chỉ tính riêng trong năm 2025, huyện Tiền Hải tập trung GPMB nhiều dự án trọng điểm của tỉnh như: khu công nghiệp Hưng Phú, khu công nghiệp Hải Long, khu công nghiệp Tiền Hải, sân golf Cồn Vành, khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Cồn Vành; các dự án giao thông như tuyến đường số 3 và số 5 trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình... Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên bước đầu đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân giúp cho việc GPMB một số công trình, dự án được triển khai thuận lợi. Điển hình như việc GPMB khu công nghiệp Hưng Phú với quy mô 350ha nằm trên địa bàn hai xã Nam Hưng, Nam Phú. Đến nay, công tác kiểm đếm đất nông nghiệp đã cơ bản hoàn thành, nhiều hộ dân đã nhận bồi thường, sẵn sàng bàn giao mặt bằng sạch. 

Hướng mạnh về cơ sở 

Những ngày qua, chúng ta thường hay bắt gặp hình ảnh đoàn viên, thanh niên đến từng nhà dân để hướng dẫn thao tác, giải thích nội dung và ý nghĩa của việc góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Anh Bùi Kim Cương, tổ 10, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) cho biết: Công việc của tôi vốn bận mải, đi làm từ sáng sớm đến chiều muộn nên ít có thời gian theo dõi các vấn đề thời sự chính trị. Tuy nhiên, qua cuộc gặp gỡ, trao đổi với các bạn đoàn viên, thanh niên tôi hiểu hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, từ đó thấy được quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình trong việc nghiên cứu, tìm hiểu và đóng góp ý kiến đối với vấn đề này. Đặc biệt, các bạn còn hướng dẫn tôi cách đóng góp ý kiến qua ứng dụng VNeID rất nhanh chóng, tiện lợi. Theo anh Thiệu Minh Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn: Thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với phương châm “hướng mạnh về cơ sở”. Trong bối cảnh hiện nay, khi các cấp, các ngành đang tích cực triển khai công tác lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên và người dân tham gia góp ý qua các nền tảng số như: ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội và Cổng thông tin điện tử Chính phủ; đồng thời thành lập các đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích sẵn sàng hướng dẫn người dân thực hiện các bước góp ý đúng quy trình. Chỉ sau 5 ngày ra quân đã có trên 65.000 đoàn viên, thanh niên tham gia góp ý và hướng dẫn trên 92.000 người dân góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Nhằm đưa công nghệ số đến gần hơn với người dân, thời gian qua, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn đẩy mạnh triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” với nhiều hoạt động, công trình, phần việc thiết thực góp phần nâng cao nhận thức và năng lực số cộng đồng. Các đội hình thanh niên xung kích trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức gần 300 lớp học “Bình dân học vụ số” thu hút hơn 82.000 lượt người dân tham gia, qua đó giúp người dân làm quen và sử dụng thành thạo máy tính, điện thoại thông minh và các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh đó, 100% cơ sở đoàn trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với công an xã hỗ trợ, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên và người dân cài đặt phần mềm VNeID, thanh toán không dùng tiền mặt. 

Theo bà Nguyễn Thị Thơm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy: Thời gian qua, hệ thống dân vận các cấp đã chủ động tham mưu cấp ủy tăng cường và đổi mới công tác dân vận với phương châm hướng mạnh về cơ sở, gần dân, tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân. Thường xuyên chủ động phối hợp với chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, lực lượng vũ trang nắm tình hình nhân dân; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, đặc biệt là tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Điển hình như trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với chủ trương hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, không tổ chức chính quyền trung gian cấp huyện, vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; thực hiện công tác GPMB phục vụ triển khai các dự án của tỉnh, của địa phương... Công tác dân vận chính quyền được đẩy mạnh theo phương châm gần dân, sát dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Việc triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của hệ thống chính quyền cơ sở, được người dân đồng tình, ghi nhận và đánh giá cao. Ngoài 16 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm theo Đề án số 08-ĐA/ TU, ngày 5/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến nay, mô hình đã được nhân rộng tới nhiều địa phương khác. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh tới cơ sở chú trọng triển khai, thực hiện hiệu quả, đồng thời coi đây là “chìa khóa” nhân lên sức mạnh tổng hợp, góp phần từng bước hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra. Từ năm 2021 đến năm 2024, toàn tỉnh đã triển khai đăng ký xây dựng 5.630 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó đã thực hiện 4.982 mô hình. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được nhân rộng trong toàn tỉnh như các mô hình: biến rác thải thành tiền; vận động nhân dân thực hiện tốt công tác GPMB triển khai các dự án; tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa; mô hình tự quản về bảo đảm an ninh trật tự; mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”... Nhìn chung, các mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị. 

Tuyến đường ĐH.36 đoạn qua địa bàn xã Đông Quang (Tiền Hải) đang được thi công. 

Đào Quyên