Ngày đón em về làng
Làng quê Minh Khai (Vũ Thư). Ảnh: Ngọc Trâm
Tôi đang đứng bên em đây. Trong khung kính em đang mỉm cười với tôi. Vẫn làn da trắng hồng, cặp môi tươi và mái tóc tơ mềm như con gái... Thắp cho em một nén nhang thơm, tôi gọi khẽ trong lòng: “Thiện ơi! Em học sinh của tôi! Người chiến sĩ binh đoàn 773 cơ yếu Quân khu Năm mến thương! Cầu chúc cho em, nơi vĩnh hằng đoàn tụ cùng cha mẹ!...”.
Bố mẹ Thiện sinh 2 con, Thiện và một em gái. Hai đứa con muộn mằn là điểm sáng của hạnh phúc gia đình. Cả hai đều ngoan, biết yêu thương bố mẹ và học giỏi, nhất là Thiện. Học xong cấp hai, Thiện được vào thẳng cấp ba, được thầy yêu bạn mến... Tháng 3-1960, đang học lớp 9 (lớp 11 hiện nay), Thiện xung phong tòng quân. Tin này thật bất ngờ đối với gia đình. Ông bà Thân lựa lời khuyên con “...cố gắng học xong cấp ba rồi đi cũng chưa muộn”. Nhìn hình ảnh già nua của bố mẹ, Thiện thương lắm. Em hiểu, gia đình chờ đợi, gửi gắm nơi em rất nhiều bởi em là niềm hy vọng của mọi người...
Nhưng cuộc kháng chiến chống Mỹ giai đoạn lúc ấy cực kỳ quyết liệt. Hàng ngày, giặc Mỹ điên cuồng tàn sát đồng bào miền Nam, ném bom miền Bắc. Bạn của Thiện ở trường, ở quê, từng đợt nối tiếp nhau lên đường cứu nước. Em thấy mình không thể ngồi yên nên tìm cách thuyết phục bố mẹ: “...Nếu không chặn chúng lại để chúng tràn ra Bắc, đến lúc ấy có đi, cũng muộn rồi. Bây giờ là lúc Tổ quốc đang cần, bố mẹ hãy cho con đi...”. Rồi Thiện cười hài hước “tan giặc Mỹ, con về cưới cho bố mẹ một nàng dâu rõ đẹp.. tha hồ ông bà bế cháu...”. Nghe con nói, ông Thân chỉ tóm tém cười; mấy chiếc răng rụng sớm làm hai bên má ông tóp xuống. Còn bà chỉ ngồi yên, mắt dán vào đứa con trai, 16 tuổi tròn, nước da trắng, môi tươi, tóc tơ mềm như con gái...
Những ngày con mới ra đi, gia đình ông Thân hụt hẫng, trống trải. Nỗi nhớ thương con cứ đè nặng khôn nguôi. Sau 3 tháng huấn luyện Thiện được về nghỉ phép rồi đi B. Cả nhà đang ăn cơm, Thiện bước vào, giơ tay bên vành mũ, chụm gót giày đánh “bốp”: “Con là Thiện, xin chào bố mẹ!”. Cả nhà mừng quýnh lên! Bà tưởng mình nhìn nhầm. Riêng ông chỉ khà khà cười: “...Chà, ba tháng ăn cơm bộ đội bằng ba năm cơm nhà!”. Rồi ông kéo tay con, bắt ngồi xuống ăn cơm luôn...
Chuyến về nghỉ của Thiện đã giải tỏa được nỗi niềm thương nhớ của bố mẹ. Thấy con khôn lớn, mạnh khỏe, ông bà Thân mừng lắm. Và từ đó, thi thoảng những cánh thư của Thiện từ mặt trận bay về đem đến cho gia đình, xóm ngõ những niềm vui và bé Huê - em gái Thiện, thêm một lần được đọc đi đọc lại lá thư cho gia đình nghe. Ông bà Thân nghe thư con như không bao giờ đủ. Cứ rỗi một chút lại bảo bé Huê đọc lại, hoặc lấy ra đánh vần...
9 năm trời đằng đẵng, chỉ có thưa thớt những cánh thư thay Thiện trở về!... Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, trong lo âu, hồi hộp chờ đợi, lại một cánh nhạn hồng bay tới. Sung sướng đến run người, ông Thân nhận lá thư từ tay cô bưu tá. Út Huê lại dõng dạc đọc thư. Nghe xong mọi người vui sướng. Ông Thân ngửa cổ uống cạn ly rượu phong tê thấp, khà một tiếng rõ dài và nói như reo: “Con tôi sống rồi!”... Quả thật thư của Thiện như một ngọn gió, quạt mát cả một khoảng trời nồng ngột, lóe sáng lên nguồn hạnh phúc gia đình. Em báo tin sẽ được về phép vào một ngày không xa và sẽ cưới vợ như lời hứa với cha mẹ. Vợ em tên là Điền, người Quảng Nam, cùng đơn vị...
Tiếc thay, sự đời biết đâu mà lường. May mắn, rủi ro cứ bất ngờ ập đến, chụp lên số phận con người! Cầm tờ giấy phép trong tay, đang sốt sắng chuẩn bị hành trang cho chuyến đi về, thì một buổi sáng, một trận mưa rừng ập xuống xối xả. Phía trước mặt, một chiếc xe chở hóa chất của đơn vị bạn bất ngờ bị mưa. Thiện lao tới giúp đồng chí lái xe che chắn, bảo vệ. Mưa tạnh. Xe hàng an toàn, nhưng Thiện bị nhiễm độc nặng phải vào viện cấp cứu! Nhập viện ngày 5-7-1975 đến 2-8-1975 Thiện qua đời. Sau hơn một tháng điều trị, không kịp thực hiện chuyến về phép sau 9 năm khao khát, mong chờ...
Tin Thiện hy sinh như cơn giông tố phũ phàng bất ngờ ập xuống mái tranh nghèo. Làm sao có thể nói hết những nỗi đau chồng chất, quay cuồng vò nát tâm can! Thế là bao hy vọng, đợi chờ dằng dặc bấy năm trời vừa lóe sáng, bỗng dưng vụt tắt! Còn nỗi đau nào hơn thế?
Phạm Đăng Duật
(Thái Sơn, Thái Thụy)
Tin cùng chuyên mục
- Đưa Hưng Hà trở thành trung tâm kết nối tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh 28.01.2025 | 22:50 PM
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
Xem tin theo ngày
-
Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
- Kiểm tra công tác chuẩn bị phương án bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tại thành phố Thái Bình
- Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất, đời sống xã hội
- Đối thoại với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh
- Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
- Khởi công dự án tuyến đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình và dự án khu công nghiệp Hưng Phú
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Động lực mới cho phát triển kinh tế
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn