Thứ 2, 12/05/2025, 18:20[GMT+7]

Trình Phố: Vùng đất, con người và truyền thống

Thứ 2, 12/05/2025 | 15:22:18
285 lượt xem
Mang đậm dấu ấn của một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, làng Trình Phố (nay là xã An Ninh, huyện Tiền Hải) có những nét độc đáo riêng biệt với phiên chợ Giếng cả năm chỉ họp một phiên vào ngày mùng một tết Nguyên đán. Đây còn là vùng quê giàu truyền thống cách mạng với nhiều danh nhân như Nguyễn Quang Bích, Bùi Viện, Ngô Quang Đoan...

Nhà tưởng niệm danh nhân văn hóa Bùi Viện, tại xã An Ninh (Tiền Hải).

Chợ Giếng cả năm chỉ họp một phiên 

Theo gia phả các dòng họ và người xưa truyền lại thì làng Trình Phố được lập từ thế kỷ XV, thuộc tổng An Bồi, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương nay là xã An Ninh (Tiền Hải). Người làng Trình Phố hiện nay có gốc gác từ Diêm Phố - Trình Phả xứ Thanh. Làng Trình Phố xưa có một ngôi đình, dân thường gọi đình Sành ở giữa làng (tên gọi là đình Sành vì làng xưa có nhiều người buôn tiểu sành). Những chiếc tiểu bị vênh cong... không ai mua, các gia đình đem hiến cho làng. Dân làng trộn cát với vôi để xây tường đình nên đình có tên ấy. Trước cửa đình có sân rộng và một giếng đá. Lệ làng từ khi lập làng cứ sáng mùng một tết dân làng lại tập trung ra đình để các nhà chức trách nói về lịch sử của làng, về các tiên công mở đất. Từ khi có đình Sành, có giếng đá, thì đây chính là nơi tụ tập, lâu dần hình thành chợ Giếng. Chợ Giếng chỉ họp mỗi năm một lần vào sáng ngày mùng một tết. Từ 27 tết, ông thủ từ đã cho quét dọn trong đình, ngoài sân sạch sẽ, treo cờ hội trước cửa đình. Rạng sáng ngày mùng một tết thủ từ thắp hương, cắm lên bát hương và bỏ hương vào đỉnh đồng rồi khấn cầu các thần linh, các tiên công phù hộ cho dân làng năm mới làm ăn phát đạt, làng được bình yên. Khấn xong cụ lên gác chuông đánh ba hồi chuông, đánh trống báo cho dân làng đã đến giờ dâng hương bái tổ. Theo hiệu lệnh mọi người kéo về đình và mang theo các sản phẩm do chính mình sản xuất ra hoặc những hàng mua nơi xa về hợp thị hiếu dân làng đem đến chợ Giếng bày bán.

Người Trình Phố đổ về chợ rất đông, những người quanh vùng cũng đến dự, người đi lại tấp nập. Trong đình, trên sân đình có hát ả đào, đánh tổ tôm, cờ tướng, vật võ... chung quanh giếng những mẹt hàng, quầy hàng bày la liệt bánh trái, tranh ảnh; những lời mời chào vồn vã. Ngoài bánh trái hoa quả, nhiều sản phẩm khác như rổ rá, quang gánh... cũng được đem bán để lấy may. Những năm chống Pháp, chống Mỹ, chợ Giếng Trình Phố phải ngừng hoạt động, đình Sành bị phá, giếng đá bị lấy nung vôi. Ông Nguyễn Văn Giáo, cán bộ văn hóa xã An Ninh cho biết: Mặc dù đình Sành bị mất nhưng để lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, hơn một thập kỷ nay chợ Giếng đã được địa phương khôi phục lại. Ngày tết trai gái trong làng, người già người trẻ lại đến chợ, thay cho lời giảng giải về làng Trình của ông từ đền, đồng chí Chủ tịch UBND xã lên chúc tết dân trước, tiếp đến là các tiết mục múa hát, trò chơi. Địa phương đang từng bước làm sống lại những truyền thống văn hóa của quê hương.

Làng của các danh nhân văn hóa 

Là vùng đất có truyền thống hiếu học, từ thế kỷ XIX – XX, Trình Phố xuất hiện nhiều người kiệt xuất trong đó có các danh nhân như: Bùi Viện, Nguyễn Quang Bích, Ngô Quang Đoan, Chu Ngạn, Vũ Trọng. Nguyễn Quang Bích, hiệu Ngư Phong (1832 - 1890), là nhà yêu nước, nhà thơ, thủ lĩnh Cần Vương chống Pháp số một ở Bắc Kỳ lẫy lừng võ công, văn nghiệp. Bùi Viện (1841-1878) từng được sử sách khẳng định là một nhân vật xuất chúng ở thế kỷ XIX và là một nhà kinh bang tế thế, có công lớn trong việc xây dựng cảng Hải Phòng, lập ra tuần dương quân (lực lượng hải quân thường trực) và lập ra hệ thống thương điếm ở khắp các tỉnh ven biển. Hiện nay, tại xã An Ninh có 2 khu di tích khu lưu niệm văn thân yêu nước Nguyễn Quang Bích và nhà lưu niệm Bùi Viện (gồm từ đường, phần mộ) đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Những di tích này không chỉ thể hiện sự tri ân mà còn là nơi giáo dục truyền thống, một điểm đến văn hóa tâm linh của người dân khi đến với huyện Tiền Hải.

Trường học tại xã An Ninh được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Giàu truyền thống cách mạng 

Là vùng đất có truyền thống hiếu học, giàu lòng yêu nước, quê hương Trình Phố đã sớm hình thành phong trào cách mạng, chống thực dân Pháp ngay từ giai đoạn 1833 – 1913. Tuy nhiên, phải đến tháng 7/1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Trình Phố ra đời - là 1 trong 6 chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh, đưa phong trào đấu tranh cách mạng ở Trình Phố phát triển mạnh mẽ, quyết liệt hơn, đỉnh cao là lãnh đạo quần chúng tham gia cuộc biểu tình ngày 14/10/1930 tại Tiền Hải. Trong cao trào năm 1929 - 1931, Trình Phố xứng đáng là một trong những cái nôi và trung tâm cách mạng tiêu biểu của tỉnh Thái Bình. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Cộng sản Trình Phố (từ năm 1929 - cuối năm 1946), Chi bộ Đảng xã An Ninh (từ đầu năm 1947 - 1960), Đảng bộ xã An Ninh (từ năm 1960 đến nay), nhân dân Trình Phố, An Ninh đã cùng nhân dân trong huyện, tỉnh và cả nước đánh đuổi thực dân, phong kiến, đế quốc, tay sai xây dựng quê hương vững bước đi lên. Năm 2000, Đảng bộ và nhân dân xã An Ninh vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông Phạm Ngọc Tú, Chủ tịch UBND xã cho biết: Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Ninh đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn để xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp. Đặc biệt, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, An Ninh tự hào là một trong những xã đầu tiên của tỉnh đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2024. Diện mạo làng quê An Ninh ngày nay khang trang, hiện đại, sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, tiến bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nâng lên rõ rệt, xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của lớp lớp thế hệ cha ông, cán bộ, đảng viên và nhân dân Trình Phố xưa.

Trần Tuấn 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày