Thứ 5, 15/05/2025, 05:34[GMT+7]

Những trang trại, gia trại ở Nam Cường

Chủ nhật, 30/11/2014 | 13:47:15
3,085 lượt xem
Nam Cường là xã ven biển của huyện Tiền Hải, phát triển kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản kết hợp chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ năm 2005, Nam Cường bắt đầu phát triển mô hình trang trại, gia trại, đến nay toàn xã có 3 trang trại và 52 gia trại sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.

Đàn lợn trong trang trại của ông Trần Sinh Bảo nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam.

Ông Bùi Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: Năm 2014, cùng với phát triển lâm nghiệp, thủy sản, địa phương còn chú trọng phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô lớn theo phương thức công nghiệp hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Ðể đẩy mạnh phát triển chăn nuôi cũng như khuyến khích bà con nông dân tích cực tham gia xây dựng mô hình trang trại, gia trại, UBND xã đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời. Ðồng thời đề xuất với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho người dân vay vốn. Thực hiện tốt công tác kiểm dịch, tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc-xin định kỳ ba tháng một lần. Cùng với đó, địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân lắp đặt hầm biogas; tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức cho cán bộ thú y và khoa học kỹ thuật về chăn nuôi để lực lượng thú y viên và người dân có thêm kiến thức phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Hiện nay, toàn xã có hai trang trại chăn nuôi gia súc với đàn lợn ước tính khoảng 25.000 con/năm, một trang trại nuôi gà 60.000 con/năm; 52 gia trại nuôi bình quân 4.000 gia súc/năm và 24.000 gia cầm/năm.

Theo lời giới thiệu của cán bộ xã, khi đến thăm trang trại của ông Trần Sinh Bảo, thôn Hoàng Môn, chúng tôi mới cảm nhận được phong trào chăn nuôi đang diễn ra mạnh mẽ của các gia đình nơi đây. Năm 2008, ông Bảo huy động vốn của bốn anh em trong gia đình bắt đầu xây dựng trang trại, tổng diện tích 2,9ha, ông dành hơn 1ha xây dựng bốn dãy chuồng lợn với 56 ô, nuôi 2.400 lợn thịt, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động, thu nhập trung bình từ 2,5 – 4 triệu đồng/người/tháng. Do nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam nên trang trại của gia đình ông được công ty cung ứng từ nguồn giống, thức ăn, vắc-xin phòng bệnh, lo đầu ra của sản phẩm. Một năm xuất chuồng 2 lứa lợn, trung bình khoảng 250 tấn/lứa, sau khi trừ mọi chi phí cho thu lãi từ 150 – 200 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, ông xây hệ thống hầm biogas với diện tích chứa gần 5.000m3 chất thải, cung cấp gas miễn phí cho 30 - 40 hộ dân thôn Hoàng Môn, vừa bảo vệ môi trường, vừa giảm đáng kể chi phí sinh hoạt cho bà con. Ông Bảo cho biết, nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, người dân không phải lo về đầu ra, thu nhập bởi giá cả luôn ổn định và có lãi. Ngoài nuôi lợn, với diện tích 1ha ao, ông thả nuôi các giống cá truyền thống như trôi, mè, rô phi, trắm; xung quanh ao trồng hàng nghìn cây thông, cây ăn quả các loại và rau màu để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Về thôn Ðức Cường, chúng tôi đến thăm mô hình gia trại của chị Hoàng Thị Huế với diện tích 2,5 sào. Chị chia sẻ: Trước khi xây dựng gia trại, gia đình chuyên sản xuất cây màu, thu nhập không cao, kinh tế còn khó khăn. Sau khi bàn bạc với chồng, chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng quyết tâm xây dựng gia trại với mong muốn cải thiện thu nhập của gia đình. Với hai dãy chuồng nuôi lợn diện tích 50m2, hiện nay chị nuôi một con lợn nái và 33 con lợn thịt một lứa, một năm xuất bán ba lứa, trừ hết chi phí gia đình thu lãi hơn 90 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chị còn nuôi kết hợp 70 con gà, ngan, vịt, trồng 1,5 sào rau màu các loại để tăng thêm nguồn thu.

Ðể các trang trại, gia trại của địa phương ngày càng phát triển, trở thành hướng làm giàu bền vững cho các hộ dân, Nam Cường tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại, gia trại; tạo điều kiện thuận lợi để các chủ trang trại, gia trại được tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng nhằm động viên, khuyến khích người dân yên tâm đầu tư vào chăn nuôi, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Phạm Huế

  • Từ khóa