Thứ 5, 15/05/2025, 16:46[GMT+7]

Thực hiện pháp lệnh dân chủ trong các xã, phường, thị trấn

Thứ 6, 31/12/2010 | 16:47:13
7,383 lượt xem
Ngày 25-12-2001, Quốc Hội Khóa X, kỳ họp thứ 10 đã có Nghị quyết số 51/2001/QH 10 và ngày 20-4-2007 ủy ban Thường vụ Quốc Hội ban hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Một trang trại chăn nuôi tổng hợp ở Hồng Lĩnh (Hưng Hà). Ảnh: Ngọc Trâm

Trước đó, ngày 18-2-1998 Bộ Chính trị (Khóa VIII) đã ra Chỉ thị số 30- CT/TƯ về: “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Chính thức ban hành các Nghị định về Quy chế thực hiện dân chủ ở các loại hình xã, phường, thị trấn; cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước; công ty cổ phần, công ty TNHH...

 

Đây là những căn cứ pháp lý rất quan trọng để mọi công dân Việt Namon> đều thực hiện nguyên tắc: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Pháp lệnh 34 của ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ: Pháp lệnh này quy định những nội dung phải công khai để nhân dân biết; những nội dung nhân dân giám sát, tránh nhiệm của chính quyền, cán bộ công chức xã, phường, thị trấn, thôn, làng, tổ dân phố, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và của nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cấp xã.

 

Khi triển khai thực hiện chỉ thị 30 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh 34 thực hiện  dân chủ ở xã phường, thị trấn... trên địa bàn tỉnh Thái Bình vào thời điểm  đang mất ổn định chính trị trên diện rộng ở nông thôn. Nếu làm tốt nội dung của Chỉ thị và Pháp lệnh sẽ góp phần giải quyết được ổn định chính trị.

 

Tuy nhiên, triển khai các văn bản trên trong bối cảnh hệ thống chính trị ở phần lớn các xã, thị trấn bị tê liệt, vô hiệu hóa. Chính quyền nhiều xã không điều hành được, mọi hoạt động bị ngừng trệ. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên băn khoăn, lo ngại cho rằng: Khi triển khai sẽ làm cho tình hình phức tạp thêm. Trước tình hình đó, ngày 12-3-1999, Ban thường vụ Tỉnh ủy ra Thông báo số 51- TB/TƯ nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, đồng thời xác định: Năm 1999, nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy là tập trung triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 30 và các Nghị định của Chính phủ về thực hiện Quy chế dân chủ, Pháp lệnh dân chủ ở cơ sơ...

 

Nhằm phát huy trí tuệ, sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ và nhân dân để giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, nhanh chóng ổn định tình hình, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội. Tháng 4- 1999, Tỉnh ủy ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo, do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; chọn huyện Hưng Hà và thành phố Thái Bình, 17 đơn vị làm điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo.

 

Tháng 5- 1999, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và chỉ đạo các cấp, ngành đồng loạt triển khai, quán triệt các văn bản của Trung ương và của tỉnh đến toàn thể cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Huy động trên 500 cán bộ thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, thành lập 54 tổ công tác giúp các xã, phường, thị trấn giải quyết ổn định tình hình gắn với việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ.

 

Tháng 12- 2001, Tỉnh ủy tổ chức sơ kết 3 năm và tháng 11- 2003, tổng kết 5 năm 2008, tổng kết 10 năm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Năm 2007, tiếp tục triển khai Pháp lệnh 34 của ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Đang chỉ đạo sơ kết 3 năm thực hiện Pháp lệnh ở các cơ sở trong tỉnh, trước hết là những địa phương được chọn làm điểm chỉ đạo. Để nội dung chỉ thị 30 và Pháp lệnh 34 đi vào cuộc sống, từ năm 1999 đến nay, Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy tiến hành 20 đợt kiểm tra, trực tiếp nghe trên 500 lượt cơ sở thuộc ba loại hình xã, phường, thị trấn và một số cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang.

 

Mỗi lần kiểm tra đều có văn bản đánh giá kết quả và xếp loại mức độ thực hiện ở cơ sở. Kịp thời biểu dương những nơi làm tốt và uốn  nắn những thiếu sót, khuyết điểm. Ban chỉ đạo đã ban hành, bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, duy trì chế độ giao ban nắm tình hình hàng quý.

 

Thực hiện Thông báo số 159 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về: “Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; Kế hoạch số 23 ngày 13-11-2007 về: Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn... UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức quán triệt hai văn bản trên đến cán bộ chủ chốt của tỉnh  và 286 xã, phường, thị trấn. Ban tổ chức chính quyền (nay là Sở Nội vụ) đã ban hành hướng dẫn số 122 và 132 về một số điểm triển  khai thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn , các cơ quan, doanh nghiệp, Nhà nước.

 

Phát hành trên 10 vạn cuốn tài liệu về Quy chế dân chủ và tuyên truyền đến 100% cơ sở trong tỉnh. Chính quyền và cơ quan nhà nước các cấp căn cứ vào các Nghị định của Chính phủ đã chỉ đạo các cơ sở, quy định để thực hiện Quy chế dân chủ trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý KT- XH; từng bước cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, công khai hóa thủ tục nội dung và thời gian...

 

Công tác tiếp dân được cải tiến và đổi mới, từ chỗ việc tiếp dân định kỳ hàng tháng của lãnh đạo luôn bị gây sức ép và bị động về đối tượng và nội dung, số lượt người cần tiếp... đã chủ động về toàn bộ quy trình tiếp, thông báo công khai nội dung công dân đến khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh và người được tiếp ở kỳ tiếp dân tới. Nhờ vậy, tình hình đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp, ngành ở Thái Bình những năm gần đây giảm đáng kể: Năm 2003: 1051 đơn, năm 2006: 559 đơn; năm 2007: 440 đơn; năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010 số đơn gửi đến rất ít.

 

Triển khai thực hiện các Nghị định, chỉ thị, Pháp lệnh 34, các xã, phường, thị trấn đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo. Tiến hành rà soát, bổ sung hoặc xây dựng mối các quy chế, quy định trên các lĩnh vực như: Quy chế làm việc của Đảng ủy- HĐND- UBND- UB MTTQ, các đoàn thể nhân dân; Quy chế quản lý sử dụng đất đai; các quy ước, hương ước thôn, làng văn hóa; quy định về việc cưới, tang... Bình quân mỗi xã, phường, thị trấn có 13 đến 18 quy chế, quy định; cá biệt có nơi xây dựng trên 20 quy chế, quy định.

 

Thông qua việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở mà những nội dung cần thông báo cho  nhân dân được thực hiện nghiêm túc, chủ yếu là: Chủ trương đường lối  của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các chương trình kế hoạch phát triển KT- XH của tỉnh, địa phương; các quy định về thủ tục hành chính, xét người được hưởng chế độ ưu đãi có công, người nhiễm chất độc hóa học...

 

Một số địa phương còn niêm yết công khai những vấn đề nhạy cảm dễ gây thắc mắc , bức xúc trong nhân dân như: Danh sách những người đấu thầu đất: diện tích, giá đất, địa điểm các lô đất đã đấu giá để xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng ở địa phương, theo QĐ 372 của UBND tỉnh.

 

Khi triển khai Pháp lệnh số 34, hai nội dung phải công khai bằng hình thức niêm yết thường xuyên tại trụ sở UBND quy định tại khoản 3, điều 10 và điều 5 của Pháp lệnh được các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, việc thực hiện các nội dung cần công khai để nhân dân biết ở nhiều cơ sở hiện còn khó khăn do trụ sở làm việc của chính quyền chật hẹp, xuống cấp.

 

Các văn bản niêm yết quá nhỏ, nhân dân khó theo dõi, nhiều thôn, làng, tổ dân phố chưa có hội trường phải nhờ địa điểm nhà dân hoặc bắc rạp để họp. Ý thức tham gia “việc làng, việc nước” của nhiều người dân chưa cao, tỷ lệ đại diện hộ gia đình tham gia họp thôn, tổ dân phố... nhiều nơi chỉ đạt dưới 50%.

 

Những việc nhân dân bàn và quyết định gồm: mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, lập, thu và thu, chi các loại quỹ xây dựng quy ước, hương ước thôn, làng văn hóa, bình xét hộ nghèo, người tham gia kháng chiến, giám sát công trình từ nguồn vốn do dân tự nguyện đóng góp... được thực hiện khá nghiêm túc bằng hình thức: họp thôn, tổ dân phố, hoặc phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình.. tạo được sự đồng tình, thống nhất cao, trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định, nên khi tổ chức thực hiện đều đạt kết quả tốt.

 

Từ sau mất ổn định tình hình đến nay, nhân dân được bàn bạc dân chủ, tự nguyện đóng góp trên 200 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi. Hiện nay, toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn trong tỉnh đã được láng nhựa, bê tông hóa; trên 50% số thôn, làng có hệ thống điện chiếu sáng đường, do nhân dân tự vận động góp. 85% số thôn, làng, tổ dân phố xây dựng quy ước, hương ước.

 

Hàng năm họp bình xét các gia đình đủ tiêu chuẩn văn hóa để biểu dương, khen thưởng. 100% khu dân cư đăng ký thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. 608/1976 khu đạt “Khu dân cư tiên tiến”, 315 khu dân cư văn hóa; 298.150 gia đình văn hóa. Xây dựng 3080 mô hình khu dân cư tự quản, 1563 tổ tự quản. Thành lập 1928 tổ hòa giải, với 14.551 hòa giải viên, mỗi năm hòa giải 4000 đến 5000 vụ, 80% số vụ hòa giải thành công.

 

Thực hiện pháp lệnh dân chủ, hầu hết các xã, phường, thị trấn đã tổ chức cho nhân dân bàn, tham gia ý kiến vào dự thảo NQ của HĐND, kế hoạch phát triển KT- XH dài hạn và hàng năm; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, kế hoạch sử dụng đất đai... đã phát huy dân chủ của đông đảo nhân dân, trước khi HĐND, UBND quyết định được nhân dân đồng tình ủng hộ.

 

Đến nay, toàn tỉnh có 13.326 gia trại, 507 trang trại, nuôi gia súc, gia cầm, 421 trang trại nuôi thủy sản; chuyển đổi 8.104 ha cấy lúa kém hiệu quả; 210 làng nghề, giải quyết việc làm cho 163.000 lao động. Làm thí điểm 8 mô hình xây dựng nông thôn mới, bước đầu có kết quả.

 

Theo đánh giá mới nhất của tỉnh thì 10 năm thực hiện chỉ thị 30 CT/TƯ của Bộ Chính trị, các NĐ 29,79 và Pháp lệnh 34 của Quốc hội về thực hiện Quy chế dân chủ và Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở. Qua đánh giá cho thấy: năm 2001, khi sơ kết 3 năm có 58% số cơ sở xếp loại khá, 31% trung bình, 11% yếu; năm 2003 có 35,5% cơ sở làm tốt, 42,7% khá, 16,8% trung bình và yếu còn 5% (giảm 6%). Năm 2007 có 63,84% tốt, 30,88% khá, chỉ còn 1,05% yếu.

 

Nhiều xã, thị trấn trong những năm 1997- 1998 là điểm nóng về khiếu kiện đông người. Nhờ tích cực giải quyết khiếu nại tố cáo và thực hiện tốt quy chế dân chủ... đến nay đã ổn định vững chắc, kinh tế phát triển, huy động sự đóng góp của nhân dân xây dựng, nâng cấp hạ tầng cơ sở địa phương.

 

Phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo, động viên sức mạnh vật chất và tinh thần của nhân dân để phát triển kinh tế, ổn định chính trị, tăng cường đoàn kết  xây dựng Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh; góp phần ngăn chặn và khắc phục tình trạng suy thoái, quan liêu, tham nhũng của một số cán bộ, đảng viên và các tệ nạn xã hội, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn.

 

Từ thực tiễn, Thái Bình rút ra 5 bài học kinh nghiệm của quá trình thực hiện Quy chế dân chủ và Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

 

* Một là: Các cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng thời giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh ngay từ cơ sở. Chính quyền phải trực tiếp tổ chức thực hiện và tạo điều kiện cho Ban chỉ đạo hoạt động, phối hợp chặt chẽ với MTTQ, các đoàn thể nhân dân thực hiện quy chế dân chủ, mới thực sự phát huy tác dụng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

 

* Hai là: Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sơ các cấp, ngành và cơ sở phải làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy có chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc, sơ kết rút kinh nghiệm, động viên, khen thưởng kịp thời những cơ sở, đơn vị thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ; đồng thời xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm dân chủ hoặc lợi dụng dân chủ vi phạm pháp luật.

 

* Ba là: Thực hiện Pháp lệnh dân chủ và quy chế dân chủ phải là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải có kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu thực hiện. Đồng thời phải tăng cường kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên vừa để phát huy dân chủ, vừa nâng cao ý thức, trách nhiệm và ngăn ngừa vi phạm dân chủ của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

 

* Bốn là: Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phải gắn liền với cuộc vận động “Xây dựng chỉnh đốn Đảng”. Trong đó, chú trọng việc phát huy dân chủ trong đảng là cơ sở quan trọng để phát huy và mở rộng dân chủ ngoài xã  hội; việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh phải được gắn liền với thực hiện cải cách hành chính nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện luật phòng, chống tham nhũng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ sở. Nêu cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu các tổ chức ở địa phương, cơ quan, đơn vị...

 

* Năm là: Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, pháp lệnh dân chủ ở cơ sở phải gắn với việc nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, giữ vững kỷ cương, kỷ luật. Phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước để các tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện đầy đủ về quyền và nghĩa vụ công dân, có ý thức sống và làm việc theo pháp luật. Quan tâm thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

 

Nguyễn Hồng Chuyên

Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà

 
  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày