Thứ 3, 13/05/2025, 20:51[GMT+7]

Nông dân thời đổi mới

Thứ 2, 01/08/2011 | 15:21:32
1,296 lượt xem
Mấy chục năm làm cộng tác viên, tôi có dịp tiếp cận với người nông dân ở nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, ngành nghề... đất nước thời đổi mới, người nông dân không phải là người sản xuất nông nghiệp đơn thuần mà thời thế đã tìm tạo cho họ nhiều việc làm phong phú, đa dạng.

Đường vào xã Hồng An, huyện Hưng Hà. Ảnh: Ngọc Trâm

Tuy nhiên, quy tụ lại thì có ba loại hộ nông dân: Một là, làm ruộng đơn thuần; hai là, vừa sản xuất, vừa kinh doanh dịch vụ ngành nghề; ba là, ly nông không ly hương.

 

Hộ sản xuất nông nghiệp đơn thuần, thường là hộ già cả neo đơn thiếu sức lao động, không có điều kiện sức khoẻ vốn liếng, kỹ thuật. Họ đành “cò cưa” khai thác năng suất ở mấy sào ruộng để kiếm sống. Đây thực sự là những gia đình có đời sống khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, nhất là: ăn ở, đi lại, khám chữa bệnh... Vì thế nhiều địa phương, khi tiến hành xây dựng nông thôn mới đã đặc biệt chú ý hỗ trợ, giúp đỡ những hộ này.

 

Những gia đình vừa làm ruộng, vừa làm DVKD, ngành nghề. Đây là những hộ có lao động, gia đình trẻ, vợ chồng chưa tới tuổi 59 mà các con đã vào đại học, cao đẳng hoặc có việc làm thu nhập ổn định, bố mẹ yên tâm làm ăn. Chỉ có điều là lúc nào cũng thiếu vốn, thiếu sức lao động. Có những hộ chỉ có vài lao động mà cấy hàng mẫu lúa, nuôi hàng chục lợn, lại buôn bán kinh doanh, làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm. Nhiều khi còn phải thuê lao động vào việc sản xuất chăn nuôi. Người ít việc nhiều, lúc nào cũng bận mải, việc nuôi dưỡng con cái, phụng dưỡng bố mẹ ông bà bị sao nhãng. Vợ chồng quan tâm chăm sóc lẫn nhau cũng rất hạn chế. Có khi hàng tuần cũng không có được một bữa ăn đủ mọi thành viên trong gia đình. Thậm chí tham gia sinh hoạt hội họp, văn hoá văn nghệ cũng đành bỏ rơi. Có lẽ cũng vì thế mà tình cảm gia đình bị vơi dần. Anh em “kiến giả nhất phận”, đèn nhà ai nhà ấy rạng, chẳng có thời gian quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Tình cảm có phần sa sút Là thế những nguồn thu nhập từ nhiều phí gộp lại thì kinh tế gia đình giầu lên trông thấy.

 

Còn  loại hộ “ly nông không ly hương” chiếm tỷ lệ nhỏ trong mỗi thôn làng. Song họ đã góp phần làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội và tìm tạo được nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Nhiều hộ cho khoán thấu ruộng cơ bản hoặc bán ruộng đất sản xuất, hùn vốn vào mở xưởng sản xuất đồ gỗ, hàng cơ khí, hàng xây dựng... Doanh thu tiền tỷ /năm. Thu hút hàng chục, hàng trăm lao động có việc làm. Có những hộ làm kinh tế giỏi đã tự nguyện công đức hàng chục, hàng trăm triệu đồng cho địa phương, kiến thiết, xây dựng hạ tầng cơ sở, góp phần xây dựng nông thôn mới.

 

Ngoài 3 loại hộ nêu trên, còn có một số nông dân ở tất cả các loại hộ đã nêu có người đi lao động làm thuê ở trong và ngoài Nước. Mỗi năm thu hàng trăm, hàng nghìn triệu về cho gia đình, gia đình. Người nông dân thời nay là thế. Song, cái đáng lo nhất là: Họ chỉ là người lao động giản đơn, nhỏ lẻ, không qua trường lớp, không có kỹ thuật lành nghề. Vì vậy mà năng suất không cao, lao động cực nhọc, không có thời gian tham gia hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt hội họp...

 

Nông dân thời nay có nhiều nguồn thu nhập chứ không phải chỉ có cấy lúa. Vì thế, mỗi người lao động trong 1 gia đình ai cũng có nguồn thu nhập riêng. Chỉ cần đi làm thuê, cũng thu mỗi tháng 2 đến 3 triệu đồng. Đây là điều vừa mừng, lại vừa lo. Mừng vì kinh tế phát triển. Lo vì đồng tiền rất dễ trở thành “tiền bạc”. Nếu mỗi gia đình không có sự quản lý, thu chi thống nhất, mỗi người một mỏ thì khó tránh khỏi mất đoàn kết, nghi ngờ, trách oán lẫn Nhau, làm giảm sức mạnh của gia đình. Vì thế người nông dân thời đổi mới rất cần được học tập đào tạo nghề thành thạo đúng với ý nghĩa “Một nghề chín, hơn chín nghề”.

Ngọc Hồ

(Hồng An – Hưng Hà)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày