Nuôi “cục bông” di động thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Từ nuôi thỏ New Zealand, gia đình anh Nguyễn Tuấn Anh thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Trước khi bén duyên với nghề nuôi thỏ, anh Tuấn Anh từng dành nhiều thời gian, tâm huyết với công việc chăn nuôi lợn. Thế nhưng, bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2018 đã xóa sổ hoàn toàn đàn lợn nái đang phát triển của gia đình anh. Ấp ủ hy vọng đứng lên sau thất bại nhưng anh vẫn đắn đo, trăn trở không biết nên tiếp tục với nghề nuôi lợn hay tìm hướng đi mới. Cuối năm 2018, sau khi tìm hiểu qua tài liệu, sách báo và mạng xã hội, anh quyết tâm tìm lại niềm đam mê chăn nuôi với giống thỏ New Zealand thuần chủng.
Chia sẻ về quyết định này, anh Tuấn Anh cho biết: Giống thỏ này có thể thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Vì đây là giống thỏ nhập ngoại nên có trọng lượng lớn, sinh sản nhiều, thịt thơm ngon và giá bán ngoài thị trường khá cao. Hơn nữa, thỏ New Zealand thuần chủng lại là giống thỏ sạch sẽ và không gây tiếng ồn.
Trước khi bắt tay vào xây dựng mô hình, anh Tuấn Anh lặn lội khắp nơi trong và ngoài tỉnh để khảo sát các trang trại, học hỏi cách nuôi thỏ. Từ phương pháp nuôi truyền thống đến công nghệ đều được anh tìm hiểu rất kỹ càng. Khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, anh mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng xây dựng mô hình của mình. Tận dụng chuồng trại cũ rộng 300m2 trước kia, anh tu sửa, nâng cấp và lắp đặt dàn lạnh để đưa 50 con thỏ nái về nuôi. Thế nhưng sự khác biệt giữa lý thuyết và thực tế khiến gia đình anh gặp phải không ít khó khăn. Anh cho biết: Thỏ vốn là loài rất khó tính, vì vậy người nuôi phải hiểu được tâm sinh lý và quan sát kỹ lưỡng để kiểm soát sức khỏe, bệnh tật của thỏ. Nếu để mắc bệnh bại huyết thì đàn thỏ sẽ không thể cứu chữa.
Không muốn thất bại, anh Tuấn Anh phải nhiều ngày tháng “ăn ngủ” cùng thỏ để theo dõi và ghi chép chi tiết hoạt động từng ngày của loại vật nuôi này. Thấy chồng làm việc vất vả, nhiều lần vợ anh - chị Nguyễn Thị Hiền cũng có ý định khuyên chồng xây dựng chuồng trại nhỏ, số lượng ít để đỡ cực.
“Có những ngày, đến 11 giờ đêm chồng tôi vẫn mò mẫm trong chuồng thỏ. Ngày nào cũng ngắm nghía đàn thỏ rồi ghi chép. Công việc cứ lặp đi lặp lại, từ ngày này qua ngày khác. Nhiều lúc thỏ bị chết anh cũng phải giấu tôi đem bỏ để tôi bớt suy nghĩ. Thấy chồng tâm huyết nên tôi càng quyết tâm đồng hành, động viên anh” - chị Hiền chia sẻ.
Sau 1 năm vừa học vừa làm, vợ chồng anh Tuấn Anh đã gặt hái thành quả. Những con thỏ với bộ lông trắng như bông óng mượt, to khỏe lần lượt được xuất bán. Thế nhưng, do thiếu kinh nghiệm bán hàng, anh Tuấn Anh bị thương lái ép giá, không ít lần rơi vào cảnh thua lỗ.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhờ sự nhanh nhạy trong nắm bắt xu hướng thị trường, anh đã làm quen với việc bán hàng thông qua các nền tảng mạng xã hội. Những mô hình nuôi thỏ khác “dậm chân tại chỗ”, gia đình anh vẫn bảo đảm tốt đầu ra, doanh thu đạt 30 triệu đồng/tháng. Sau những lần đi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, anh Tuấn Anh đã tìm ra “chìa khóa” để mở rộng số lượng thỏ của gia đình. Với phương châm “phòng bệnh là chính kết hợp với phương pháp sinh sản chỉ huy”, đàn thỏ của anh từ 50 con đã phát triển lên khoảng 2.000 con, bao gồm thỏ thương phẩm, thỏ hậu bị và thỏ con.
Anh chia sẻ: Phương pháp sinh sản chỉ huy giúp công việc của tôi nhàn hơn. Tôi có thể chủ động can thiệp vào quá trình sinh sản của thỏ, ấn định ngày sinh giúp bảo đảm thời gian và sức khỏe cho thỏ mẹ. Nhờ đó, mỗi tháng tôi có thể xuất chuồng khoảng 300 con thỏ giống. Mỗi năm trại thỏ xuất bán khoảng 7 - 8 tấn thỏ thịt với mức giá 90.000 - 95.000 đồng/kg cho các nhà hàng, thương lái trong cả nước, đạt thu nhập trên 700 triệu đồng/năm. Đến nay, mô hình đã ổn định, mỗi ngày tôi chỉ cần dành 4 tiếng để chăm sóc cho đàn thỏ, thời gian còn lại tôi dành cho gia đình và trồng cây, nuôi chim. Công việc đỡ vất vả, thu nhập tốt hơn nhiều so với trồng lúa và nuôi lợn.
Ông Đào Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Trung cho biết: Mô hình nuôi thỏ New Zealand thuần chủng của gia đình anh Nguyễn Tuấn Anh là mô hình mới, tiêu biểu của xã, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường vừa góp phần phát triển kinh tế địa phương. Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên tích cực đưa các con có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ lớn như thỏ vào phát triển chăn nuôi; đồng thời phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để hội viên áp dụng vào thực tiễn; liên kết với ngân hàng cho hội viên vay vốn lãi suất thấp đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi hiệu quả.
Nguyễn Triệu
Tin cùng chuyên mục
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đợt phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân 29.04.2025 | 19:02 PM
- Gieo trồng cây màu vụ xuân đạt gần 98% kế hoạch 17.03.2025 | 16:46 PM
- Sắc xuân trên làng hoa, cây cảnh ở Đông Hưng 17.01.2025 | 08:56 AM
- Tăng cường công tác lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy lúa Xuân năm 2025 09.01.2025 | 19:04 PM
- Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường 29.12.2024 | 13:52 PM
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
Xem tin theo ngày
-
Kiểm tra công tác chuẩn bị phương án bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tại thành phố Thái Bình
- Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất, đời sống xã hội
- Đối thoại với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh
- Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
- Khởi công dự án tuyến đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình và dự án khu công nghiệp Hưng Phú
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Động lực mới cho phát triển kinh tế
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn
- Cả nước đã hỗ trợ xóa gần 209.000 nhà tạm, nhà dột nát
- Dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn