Cửa Hộ không còn “ma”
Cửa Diêm Ðiền. Ảnh: Thành Tâm
Sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa giữ chức năng ranh giới tự nhiên giữa Thái Bình và mấy tỉnh lân cận. Sẽ là khác, sông Diêm và sông Trà lại được trân trọng “của riêng” đồng đất Thái Bình. Chỉ gọn ghẽ trong nội địa xứ lúa chật hẹp, hai con sông này vẻn vẹn mấy chục cây số chiều dài chẳng nhiều nhặn gì. Cũng nên phụ họa chút đỉnh: Nếu so sánh với sông Trà, con sông Diêm thực sự khiêm tốn cả về trường độ và thủy lượng. Nhỏ bé thế, ấy vậy mà nơi tiếp biển của dòng tiểu hà không mấy tên tuổi này lại ứng danh một vế câu ngạn ngữ phải rùng mình: “Sóng cửa Trà, ma cửa Hộ”. Sông Diêm chính danh “sông Diêm Hộ” nên mới dẫn đến cái tên thường gọi “cửa Hộ”.
Ngược về quá khứ, thời xưa thuyền buồm cỡ một vài chục tấn thường xuyên ngược dòng sông Diêm từ Diêm Ðiền lên tận các bến bãi huyện Ðông Quan, Tiên Hưng cũ... Bè gỗ, bè tre sau khi thâu cống hoặc “tăng bo” qua đê sông Trà, sông Luộc rồi theo sông Diêm xuôi xuống tận miền biển Thụy Anh, Thái Ninh.
Từ năm 40 thế kỷ trước, khi người Pháp cho xây cống Trà Linh cách cửa biển chừng 5 cây số, sông Diêm biến thành sông cụt không mấy thuận tiện hoạt động giao thông thủy. Nằm ở vùng duyên hải quanh năm chi phối bởi nguồn phù sa khổng lồ, cửa Hộ muôn đời là một “cửa cạn” tiềm ẩn vô vàn rủi ro cho thuyền bè ra vào. Những khi giông bão sóng to gió lớn, nếu không có kinh nghiệm, thuyền đến đây rất dễ dắt cạn. Dắt cạn giữa mênh mông sóng bạc đầu nên cửa Hộ từng kết thúc số phận biết bao con thuyền xấu số để rồi nơi đây đời nối đời lưu lại lời cửa miệng “ma cửa Hộ”.
Nhắc đến “ma cửa Hộ” đâu chỉ dân thuyền bè run sợ mà các “ông Tây” cũng nơm nớp bất an. Còn nhớ những năm 1947, 1948, 1949 giặc Pháp chưa dám đổ đại quân lên đất Thái Bình, pháo hạm của chúng cũng “chờn” cửa Hộ nên đành đậu tít ngoài khơi nã đạn vào đất liền. Cự ly quá xa thế là đạn pháo chỉ với tới mấy ngôi làng cận mép sóng như Diêm Ðiền, Quang Lang, Tam Ðồng... thành ra cả vùng hương thôn nằm sâu phía trong của huyện Thụy Anh, Thái Ninh cũ vẫn tuyệt đối an toàn.
Ngày 13/8/1948 dòng sông Diêm từng ghi đậm một sự kiện đáng nhớ: Hải quân Pháp tập trung lực lượng đổ bộ bên làng Diêm Ðiền. Thực ra đúng đỉnh thủy triều, tàu biển cỡ ngàn tấn hoàn toàn có thể vượt cửa Hộ ngược sâu vào sông Diêm cả chục cây số. Nhưng khốn nỗi, nước biển thường rút cực nhanh nên cửa Hộ luôn hiện hữu một trở ngại bất khả khắc phục. Muốn đánh lớn nhưng tàu to không dám vào khiến giặc Pháp lần này huy động một chiến hạm cỡ nhỏ, hai ca nô, hai thuyền đinh - thuyền biển cỡ lớn, tải gọn 150 tên lính thủy quân lục chiến đổ bộ lên Diêm Ðiền. Phía Pháp hỏa lực hoàn hảo, tối tân chỉ vướng một rào cản hóc búa là, phải đối mặt với trung đội Du kích Diêm Ðiền tỉnh táo, cơ mưu.
Ngoài ý chí ngoan cường, Du kích Diêm Ðiền còn nắm vanh vách quy luật thủy triều và đặc điểm “yết hầu” của cửa Hộ. Vừa kháng cự cố ý kéo dài trận chiến vừa tìm cách đánh chìm phương tiện, chặt đứt đường thoái của địch dồn chúng vào ngõ cụt. Thương vong đã nhiều vẫn không vào được làng lại sợ mắc cạn tại cửa Hộ, bọn giặc đành bỏ cuộc hò hét nhau xuống thuyền rút chạy ra biển. Sau trận thắng giòn giã ấy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Thụy Anh đã đổi tên mới cho Ðơn vị Bộ đội huyện là “Ðại đội 138” để ghi nhớ Chiến công ngày 13-8 của Du kích Diêm Ðiền.
Những năm 1950, 1951, 1952, 1953 khắp vùng duyên hải cận kề cửa Hộ dày đặc đồn bốt, tháp canh kể cả sân bay dã chiến nhưng thằng địch vẫn mù tịt về những “bí mật” ở cửa Hộ. Khi triều cường, một vùng bãi lầy quanh cửa Hộ mênh mang sóng nước khiến thuyền bè qua đây đều phải khấn vái cầu may. Ngược hẳn lại, đến khi nước ắt, nếu tinh ý người ta có thể tìm thấy điểm rất nông dễ dàng lội ngang qua. Thế là, cửa Hộ nghiễm nhiên biến thành “con đường thủy bí mật” để du kích, cán bộ hai huyện Thụy Anh và Thái Ninh liên hệ mật thiết với nhau suốt những năm gian khổ đánh Pháp. Năm 1952, một đơn vị thuộc Ðại đoàn đồng bằng 320 luồn sâu tác chiến tại xã Thái Thượng (Thái Thụy) bây giờ. Ðược những ngư dân giàu kinh nghiệm dẫn đường, nhiều chiến sĩ trinh sát của Ðại đoàn 320 đã xắn quần ung dung lội qua cửa Hộ sang nắm địch tình bên huyện Thụy Anh trong đó chủ yếu là đồn Diêm Ðiền.
Thằng Tây lơ mơ cửa Hộ, đến thằng Mỹ xem ra cũng chẳng đủ vốn liếng về cửa Hộ. Năm 1966, 1967 sau đó tiếp đến năm 1972, cửa Hộ là cái túi chứa bom từ trường của giặc Mỹ. Quy luật oanh tạc của lũ phi cơ F105, F4H, AD6... là chờ thủy triều rút, luồng lạch cửa Hộ hiện rõ mồn một thế là chúng ập vào rải bom từ trường. Chúng nhằm dòng chảy cửa Hộ “căn ke” đến mức không hề trệch một quả bom nào. Thằng giặc tính toán kỹ lưỡng những tưởng “chắc ăn” trên cả 100%, nào ngờ lại hóa ra “hỏng”. Dạo ấy ra vào sông Diêm, ta làm gì đã có tàu. Những con thuyền buồm nhỏ bé đâu quá lệ thuộc mức nước sâu nông. Chờ thủy triều dềnh lên mức tối đa, cả cánh bãi mênh mông biến ngay thành thế giới hải lộ mặc sức giong buồm, xuôi ngược.
Vậy là hàng đống bom từ trường của Mỹ chẳng “phong tỏa” được cửa Hộ đành ngậm ngùi đóng vai thứ kim khí vô dụng. Thế mới dẫn đến chuyện, mặc cho cửa Hộ bị bom từ trường vít chặt, thuyền đánh cá của bà con mình vẫn bám biển thả lưới, quăng câu ngon lành. Ðặc sắc nữa là, từ bến sông quê hương, những con thuyền của Hợp tác xã vận tải sông Diêm vẫn giong buồm ngạo nghễ vượt hàng trăm hải lý chở hàng tiếp sức cho quân, dân Quảng Bình, Vĩnh Linh khói lửa.
Giờ đây cửa Hộ không còn “ma”. Ngồi trên những con tàu hiện đại trăm tấn, ngàn tấn lui tới cửa Hộ hôm nay phấn chấn biết bao thấy khắp gần, xa, đây, đó đang hiện dần khởi cảnh thật sự ấm cúng: Ðây, bờ hữu cửa Hộ đang định hình con đê bê tông cốt thép đúng nghĩa hiện đại. Tại bờ tả bên kia, sau bức trường thành rừng ngập mặn và hệ thống đê kè kiên cố là đậm đặc nào nhà máy đóng tàu, nào công ty, doanh nghiệp chế biến nông thủy sản hoạt động rộn ràng, quanh năm suốt tháng...
Dẫu luồng lạch chưa kịp đáp ứng yêu cầu của những con tàu tải trọng lớn song cửa Hộ đã vĩnh viễn đoạn tuyệt dấu ấn một “điểm đen” bao đời rùng mình: “ma” cửa Hộ.
Hoàng Ngọc Khuyến
(Khu 3, Thị trấn Diêm Ðiền, Thái Thụy)
Tin cùng chuyên mục
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đợt phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân 29.04.2025 | 19:02 PM
- Gieo trồng cây màu vụ xuân đạt gần 98% kế hoạch 17.03.2025 | 16:46 PM
- Sắc xuân trên làng hoa, cây cảnh ở Đông Hưng 17.01.2025 | 08:56 AM
- Tăng cường công tác lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy lúa Xuân năm 2025 09.01.2025 | 19:04 PM
- Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường 29.12.2024 | 13:52 PM
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
Xem tin theo ngày
-
Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
- Khởi công dự án tuyến đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình và dự án khu công nghiệp Hưng Phú
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Động lực mới cho phát triển kinh tế
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn
- Cả nước đã hỗ trợ xóa gần 209.000 nhà tạm, nhà dột nát
- Dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn
- Bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp phải phục vụ tốt cho hoạt động quản lý nhà nước, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp
- Bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải
- Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh
- Chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công Dự án cao tốc CT.08; Khu công nghiệp Hưng Phú; Lễ động thổ dự án Nhà máy sản xuất ô tô GEL-O&J