Thứ 7, 17/05/2025, 11:10[GMT+7]

Tập trung phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân

Thứ 6, 20/03/2015 | 11:32:05
1,817 lượt xem
Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy gần 80.000ha lúa, trong đó diện tích gieo thẳng trên 32.200ha, chiếm 40,35% diện tích. Hiện nay, lúa phát triển tốt và đang trong giai đoạn đẻ nhánh; nông dân các địa phương đang tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân.

Tỉa dặm lúa trên diện tích gieo thẳng.

 

Năm nay, huyện Vũ Thư gieo cấy gần 8.200ha lúa xuân, trong đó diện tích lúa gieo thẳng đạt 80%. Đến nay, lúa xuân đang ở giai đoạn đẻ nhánh. Theo báo cáo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, bệnh đạo ôn đã xuất hiện rải rác trên lúa cấy trà sớm ở các xã Hiệp Hòa, Phúc Thành, Trung An, Tự Tân... Tỷ lệ bệnh trung bình từ 1 - 3%, cục bộ có nơi 15 - 20%. Cùng với bệnh đạo ôn, ốc bươu vàng cũng xuất hiện nhiều, nơi cao 3 - 5 con/m2, cục bộ nơi trũng 15 - 20 con/m2. Trạm Bảo vệ thực vật huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, hướng dẫn nông dân các địa phương hạn chế nguồn bệnh bằng cách cắt sạch cỏ dại, thu gom và tiêu hủy tàn dư cây trồng sau thu hoạch; tỉa dặm bảo đảm mật độ; bón phân cân đối và giữ mực nước hợp lý, đồng thời thường xuyên thăm đồng để chủ động nắm bắt diễn biến của bệnh. Ông Đoàn Văn Hà, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Hòa Bình cho biết: Vụ xuân năm nay, Hòa Bình gieo cấy trên 300ha lúa, 100% diện tích áp dụng phương thức gieo thẳng. Mặc dù hiện nay lúa chưa có biểu hiện nhiễm sâu bệnh song HTX đã chủ động thông báo và khuyến cáo nông dân luôn bám sát đồng ruộng, nhất là diện tích gieo cấy các giống dễ nhiễm sâu bệnh nhằm kịp thời phát hiện và xử lý.

 

Trong 11.300ha lúa xuân của huyện Kiến Xương có 60% diện tích gieo thẳng. Hiện nay, bệnh đạo ôn đã xuất hiện trên các giống dễ nhiễm, gieo sớm như BC15, Bắc thơm 7, nếp các loại..., tỷ lệ bệnh trung bình từ 1 - 3%, nơi cao 5 - 7%. Trước tình hình đó, bên cạnh hướng dẫn nông dân chăm sóc, tỉa dặm lúa, ngành Nông nghiệp huyện chỉ đạo HTX DVNN các xã, thị trấn chú trọng bảo đảm đủ nước tưới dưỡng cho lúa, đồng thời tăng cường tuyên truyền, chủ động theo dõi diễn biến phát triển của sâu bệnh, xử lý nhanh và kịp thời khi đến ngưỡng, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết, dịch hại trên lúa.

 

Theo báo cáo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hưng Hà, hiện toàn huyện có khoảng 6.000ha lúa xuất hiện ốc bươu vàng, mật độ trung bình 5 - 10 con/m2, nơi cao 15 - 30 con/m2. Cùng với ốc bươu vàng, bệnh thối bẹ lá trên diện tích cấy sớm đang đẻ rộ, tỷ lệ bệnh trung bình 3 - 5%. Đặc biệt, bệnh đạo ôn trên lúa phát sinh rất sớm trên các giống nhiễm do việc phun phòng bệnh đạo ôn trên mạ hầu hết không được nông dân thực hiện. Vì vậy, ngay khi vừa cấy xong, một số địa phương đã phải nhổ đi cấy lại. Hiện tại, trên các giống nhiễm ở các xã Hòa Tiến, Cộng Hòa, Thái Hưng, Hùng Dũng... tỷ lệ bệnh đạo ôn trung bình 1 - 3%, nơi cao 7 - 10%, cục bộ có nơi 20 - 30%. Để hạn chế thiệt hại do bệnh đạo ôn gây ra, Trạm Bảo vệ thực vật huyện chỉ đạo, hướng dẫn nông dân các địa phương thường xuyên kiểm tra đồng ruộng. Khi thấy tỷ lệ bệnh từ 3 - 5%  phải tổ chức phun thuốc phòng trừ ngay. Bên cạnh đó, HTX DVNN các địa phương khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng, giữ đủ nước, không bón đạm đơn và bón thúc sớm cho lúa.

 

Theo ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, tính đến ngày 17/3, toàn tỉnh có khoảng 3.000ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn với tỷ lệ 3 - 5%. Các giống bị nhiễm bệnh là Bắc thơm 7, BC15, nếp các loại... Bệnh chủ yếu xuất hiện nhiều ở các huyện phía Bắc tỉnh do các địa phương này có nhiều diện tích cấy sớm. Để chủ động phòng dịch bệnh hại lúa xuân, các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng để nắm chắc diễn biến sâu bệnh, phát hiện sớm các đối tượng dịch hại; chủ động phun thuốc phòng bệnh cho lúa đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn để tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ thuật phòng trừ dịch hại; tiến hành thu dọn, vệ sinh đồng ruộng, giữ mực nước hợp lý trên đồng ruộng; tiến hành bón phân NPK. Riêng đối với những diện tích bị bệnh, tuyệt đối không bón đạm đơn, không phun thuốc kích thích sinh trưởng. Những ruộng có tỷ lệ bệnh từ 3 - 5% cần dùng thuốc hóa học đặc hiệu để phòng trừ. Trong trường hợp thời tiết tiếp tục có mưa ẩm cần dùng thuốc có độ bám dính cao và tăng nồng độ thuốc lên 1,5 lần. Sau phun đợt một từ 5 - 7 ngày cần phun tiếp đợt hai để hạn chế tối đa thiệt hại do sâu bệnh hại lúa gây ra.

 

Mai Thư

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày