Thứ 3, 13/05/2025, 08:42[GMT+7]

Ghi nhận chiến dịch phòng trừ sâu bệnh trên lúa mùa

Thứ 3, 08/09/2015 | 20:46:38
1,692 lượt xem
Trong chiến dịch phòng trừ sâu đục thân hai chấm từ ngày 3 - 7/9, toàn tỉnh có trên 70.000ha lúa mùa phải phun trừ. Những ngày qua, mưa kéo dài làm chậm tiến độ phun, do vậy từ ngày 5/9, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, nông dân các địa phương trong tỉnh tập trung xuống đồng phun trừ sâu đục thân hai chấm và một số đối tượng sâu bệnh khác, quyết tâm bảo vệ an toàn lúa mùa.

Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Kiến Xương kiểm tra sâu bệnh trên đồng ruộng.

Qua kiểm tra đồng ruộng của Chi cục Bảo vệ thực vật, ở một số xã thuộc các huyện Quỳnh Phụ, Vũ Thư và thành phố Thái Bình có mật độ sâu đục thân hai chấm cao, có nơi 5 ổ trứng/m2, nếu không tổ chức phun trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng tới năng suất lúa mùa. Chỉ sau 2 ngày tạnh ráo, hết ngày 6/9, toàn tỉnh đã phun trừ được 78.550ha, bằng 97% diện tích, trong đó có cả diện tích phun sớm từ 1 - 3/9. Một số huyện hoàn thành phun 100% diện tích là Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Thái Thụy và thành phố Thái Bình. Tại cánh đồng xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) sáng ngày 6/9, bà con nông dân đang tập trung ra đồng phun trừ sâu bệnh. Bà Phạm Thị Thu (thôn Hiệp Trung) cho biết: Vụ mùa này, gia đình tôi cấy 7 sào, chủ yếu là giống lúa BC15. Thời tiết thuận lợi giúp lúa mới cấy sinh trưởng, phát triển nhanh, đến nay lúa đang trong giai đoạn ôm đòng. Thực hiện thông báo của HTX DVNN, tôi đã mua các loại thuốc được khuyến cáo để phòng trừ sâu đục thân hai chấm kết hợp phun phòng sâu cuốn lá, rầy, dự kiến phun ngay từ đầu lịch nhưng do mưa liên tiếp hai ngày nên ngay sau khi tạnh ráo tôi tiến hành phun 100% diện tích để đạt hiệu quả cao.

Đến nay 11.400ha lúa mùa của huyện Kiến Xương sinh trưởng và phát triển tốt, đồng đều giữa các trà. Lúa trà sớm đang trong giai đoạn đòng già, lúa đại trà đang trong giai đoạn làm đòng. Lúa trỗ tập trung từ ngày 10 - 20/9. Ông Nguyễn Đức Thịnh, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Vụ mùa năm 2015, sâu đục thân hai chấm có mật độ cao hơn, diện phân bổ rộng hơn và mức độ gây hại nặng hơn so với vụ mùa năm 2014 và trung bình nhiều năm. Từ đầu vụ đến nay, Trạm đã tổ chức 5 đợt lấy mẫu điều tra sâu đục thân hai chấm, kết quả điều tra cho thấy sâu đục thân hai chấm vũ hóa từ ngày 24/8 kéo dài đến 15/9, sâu non nở từ ngày 31/8 - 22/9, rộ nhất từ ngày 5/9 - 10/9. Thời điểm sâu non đục thân hai chấm nở rộ trên đồng ruộng trùng với thời gian lúa trỗ bông. Ngoài ra, rầy nở rộ và gia tăng mật độ trên đồng ruộng, dự báo từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 với mật độ trung bình 500 - 1.000 con/m2, nơi cao 4.000 - 5.000 con/m2, cá biệt 10.000 con/m2. Toàn huyện đã phát động chiến dịch phun trừ sâu đục thân hai chấm kết hợp với rầy (diện tích có mật độ từ 800 con/m2 trở lên), khô vằn (phòng trừ khi tỷ lệ bệnh từ 5% trở lên). Sau khi kết thúc chiến dịch, Trạm sẽ phân công cán bộ kiểm tra, đánh giá hiệu quả phòng trừ, đối với những diện tích nhiễm nặng xây dựng kế hoạch phun kép lần 2.

Hết ngày 6/9, huyện Đông Hưng đã phun trừ sâu đục thân hai chấm kết hợp với rầy, bệnh bạc lá cho diện tích chớm nhiễm, được 11.750ha, bằng 99% diện tích. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mưa liên tiếp trong hai ngày, Trạm Bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo nông dân phun trừ bệnh đạo ôn cổ bông cho diện tích lúa BC15, nếp, Q5 trỗ gặp mưa. Huyện đề nghị các HTX, các đại lý cung ứng đầy đủ về số lượng và đúng chủng loại thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, tránh tình trạng tăng giá, ép giá, thuốc kém chất lượng; hướng dẫn nông dân không phun hỗn hợp quá nhiều loại thuốc làm giảm hiệu lực của thuốc. Bà Phạm Thị Loan (xã Đông Xuân) cho biết: Những ngày qua, nghe thông báo về tình hình sâu bệnh, chúng tôi liên tục kiểm tra, theo dõi, nhờ đó không chỉ phát hiện sâu đục thân hai chấm, gia đình tôi còn kết hợp phun trừ rầy. Ngay sau khi thời tiết tạnh ráo, tôi tiến hành phun trừ cho 100% diện tích lúa mùa, kết hợp theo dõi, tổ chức phun lần 2 nếu vẫn còn sâu bệnh.

Chỉ sau 2 ngày thời tiết tạnh ráo, toàn tỉnh đã phun trừ sâu bệnh cho lúa mùa đạt 97%. Qua đây cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các địa phương, đồng thời chứng tỏ người dân đã thực sự chủ động, tích cực trong chăm sóc, bảo vệ lúa mùa.

Nông dân xã Đông Hải (Quỳnh Phụ) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa.

Vụ mùa năm nay, huyện Quỳnh Phụ gieo cấy 11.650ha lúa, trong đó các giống ngắn ngày có năng suất cao như BC15, TBR1, TBR225, TBR45... chiếm 70% diện tích; các giống ngắn ngày như Bắc thơm 7 - kháng bạc lá, N87, QR1, QTV… có chất lượng khá chiếm 30% diện tích.

Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ diện tích lúa mùa của Quỳnh Phụ sinh trưởng và phát triển tương đối tốt, trà lúa mùa cực sớm đã trỗ bông, lúa mùa sớm đang ở giai đoạn ôm đòng, lúa mùa đại trà đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ tới phân hóa đòng.

Ông Nguyễn Văn Nhiễm, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết: Trước diễn biến phức tạp của sâu bệnh hại lúa, để chủ động phòng trừ và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu đục thân hai chấm gây ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND huyện triển khai chiến dịch phòng trừ sâu bệnh đến chủ nhiệm các HTX, cán bộ bảo vệ thực vật các xã, thị trấn trong huyện; UBND huyện ban hành chỉ thị, công điện chỉ đạo phòng trừ sâu đục thân hai chấm bảo vệ lúa mùa. Chiến dịch phun trừ sâu đục thân hai chấm được tổ chức làm 2 đợt: đợt 1 từ ngày 27 - 29/8 cho những diện tích lúa mùa trỗ bông từ ngày 27 - 31/8, tập trung vào những diện tích nhiễm sâu cao; đợt 2 từ ngày 1 - 5/9 cho toàn bộ diện tích lúa trỗ sau ngày 1/9.

Để đạt hiệu quả, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện phân công cán bộ kỹ thuật xuống các địa phương đôn đốc và hướng dẫn nông dân kỹ thuật phun trừ sâu đục thân hai chấm bằng các loại thuốc đặc hiệu được khuyến cáo. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện thực hiện điều tiết nước đầy đủ, kịp thời, bảo đảm tăng cường hiệu lực phòng trừ của thuốc.

Xác định công tác thông tin, tuyên truyền có vai trò quan trọng trong chiến dịch phòng trừ sâu đục thân hai chấm bảo vệ lúa mùa, huyện Quỳnh Phụ đã đẩy mạnh truyền thông trước và trong chiến dịch. Cùng với việc phát tài liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh đến tận cơ sở thôn, Đài Truyền thanh huyện chỉ đạo đài truyền thanh các xã, thị trấn phối hợp với các HTX DVNN tăng thời lượng tuyên truyền kế hoạch phòng trừ sâu bệnh, trong đó tập trung tuyên truyền về thời điểm phun, tên của thuốc phòng trừ, cách pha đạt hiệu quả và hướng dẫn sử dụng thuốc bảo đảm an toàn và vệ sinh môi trường theo nguyên tắc "4 đúng" để bà con nông dân nắm vững và thực hiện. Để bảo đảm thuốc bảo vệ thực vật chất lượng đến tận tay nông dân, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiên quyết xử lý, rút giấy phép kinh doanh đối với các điểm kinh doanh vi phạm, đồng thời chỉ đạo các địa phương thành lập và thông báo công khai các điểm cung ứng thuốc đạt chất lượng trên địa bàn.

Với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể, chắc chắn Quỳnh Phụ sẽ giành thắng lợi vụ lúa mùa, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2015.

Lưu Ngần - Trịnh Cường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày