Chuyện ngày mùa ở Thụy Lương
Chỉ có người già làm nhiệm vụ thu hoạch lúa.
Máy móc thay sức người
Buộc chiếc xe kéo chất đầy những bao thóc tròn lẳn, ông Nguyễn Duy Quyết ở thôn 2, xã Thụy Lương (Thái Thụy) vui vẻ nổ máy kéo thóc về nhà. Vụ xuân vừa rồi, gia đình ông cấy 4 sào lúa nhưng không trực tiếp gặt cây nào mà chỉ việc ra đồng kéo thóc về phơi. Ông tâm sự: Ngày trước làm ra được hạt thóc vất vả lắm. Đi cày bừa mấy ngày trời mới được vài sào ruộng. Cày xong rồi cấy, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, mấy tháng trời mới trông thấy cây lúa trỗ bông. Đến ngày gặt thì đi từ sáng sớm, lúa mang về sân chất thành đống, lúa tuốt bằng máy thủ công, đạp mỏi cả chân, xoay mỏi cả tay. Lúc ấy mới nhìn thấy hạt thóc. Tính ra, làm cả ngày mới được sào lúa. Bây giờ thì làm gì cũng có máy. Máy cày, máy bừa rồi máy cấy, máy gặt. Nước dẫn vào tận ruộng. Không phải làm cỏ vì đã có thuốc phun trừ rồi. Lúc máy gặt xong chỉ việc mang xe ra chở thóc về nhà. Trước đây, cả ngày, 5 người mới gặt được 3 sào lúa mà mệt bở hơi tai. Giờ máy chỉ đi một ngày cũng gặt được chục mẫu.
Giống như nhà ông Quyết, nhà bà Nguyễn Thị Khanh cũng ở thôn 2 có 9 sào ruộng thì có đến 7 sào gặt máy. Bà cho biết, trước đây, mùa gặt phải kéo dài ít nhất nửa tháng còn bây giờ chỉ từ 3 - 5 ngày là xong hết. Mọi người không phải gặt đổi công cho nhau, có máy gặt đập liên hợp, 7 sào ruộng chỉ cần một buổi sáng là xong.
Người già và trẻ nhỏ ra đồng
Cấy máy, gặt máy, cày bừa rồi dẫn nước vào ruộng cũng bằng máy, có lẽ vì vậy mà khái niệm “bận như ngày mùa” đã không còn đúng đối với những người nông dân nữa. Có máy móc hỗ trợ, làm nông nghiệp cũng không còn quá vất vả. Ngày mùa, khắp trong xóm ngoài đồng chỉ thấy những người trung niên, từ 40 - 50 tuổi trở lên cùng các em nhỏ được nghỉ hè chở thóc, phơi thóc. Thanh niên trong làng hoặc là đi học đại học, hoặc là đi làm ăn xa, hoặc chọn con đường đi làm công nhân trong các công ty, xí nghiệp cho bõ sức mạnh “bẻ gãy sừng trâu” thay vì ở lại quê sản xuất nông nghiệp. Bà Khanh chia sẻ: Hiếm gặp được thanh niên ở ngoài đồng. Toàn tầm tuổi như tôi thôi. Thanh niên đi làm công nhân hoặc đi làm ăn xa chứ đâu có ở nhà làm nông nghiệp. Cứ nhìn cả xóm này thì ra cả làng. Từ đầu ngõ tới cuối ngõ, ngày mùa chả thấy bóng thanh niên nào, chỉ toàn ông già, bà già đi gặt. Trên thực tế, không ít thanh niên trong độ tuổi lao động chọn đi làm công nhân thay vì quanh quẩn với mấy sào ruộng. Đi làm công nhân may từ 6 giờ sáng đến 5 rưỡi chiều, có hôm tăng ca sẽ phải làm muộn hơn nhưng đổi lại là thu nhập ổn định. Chị Sa Thị Xiêm ở thôn 2 tâm sự: Nếu đi làm đều thì thu nhập cũng khá, được 3 triệu đồng một tháng, tháng nào tăng ca được 4 triệu đồng. Còn nếu cấy lúa, chờ mấy tháng trời mới thấy tiền, năm được mùa năm mất mùa, thu nhập không ổn định.
Mong cho con cháu đi làm công nhân, đi làm ngành nghề khác để có thu nhập ổn định là suy nghĩ của rất nhiều người cao tuổi ở nông thôn hiện nay. Áp dụng máy móc, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp nên hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sẽ không cho hiệu quả kinh tế cao. Có lẽ vì vậy mà thanh niên nông thôn hiện nay không thiết tha với đồng ruộng. Trên thực tế, tại khắp các địa phương, không ít nông dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng liên kết tiến lên sản xuất hàng hóa, thay đổi phương thức sản xuất kết hợp chăn nuôi với trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, cần lắm những tư duy mới, cách làm mới để người nông dân có thể gắn bó lâu dài với ruộng đồng, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Nguyễn Thị Lương
(Sinh viên thực tập)
Tin cùng chuyên mục
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đợt phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân 29.04.2025 | 19:02 PM
- Gieo trồng cây màu vụ xuân đạt gần 98% kế hoạch 17.03.2025 | 16:46 PM
- Sắc xuân trên làng hoa, cây cảnh ở Đông Hưng 17.01.2025 | 08:56 AM
- Tăng cường công tác lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy lúa Xuân năm 2025 09.01.2025 | 19:04 PM
- Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường 29.12.2024 | 13:52 PM
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
Xem tin theo ngày
-
Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
- Khởi công dự án tuyến đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình và dự án khu công nghiệp Hưng Phú
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Động lực mới cho phát triển kinh tế
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn
- Cả nước đã hỗ trợ xóa gần 209.000 nhà tạm, nhà dột nát
- Dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn
- Bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp phải phục vụ tốt cho hoạt động quản lý nhà nước, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp
- Bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải
- Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh
- Chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công Dự án cao tốc CT.08; Khu công nghiệp Hưng Phú; Lễ động thổ dự án Nhà máy sản xuất ô tô GEL-O&J