Thứ 5, 08/05/2025, 17:42[GMT+7]

Bình Thanh: Xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù giúp nâng cao giá trị sản xuất

Thứ 5, 08/05/2025 | 08:46:57
529 lượt xem
Những năm gần đây, xã Bình Thanh (Kiến Xương) đã tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết, chuyên canh tập trung, tạo ra những sản phẩm đặc thù có giá trị kinh tế cao như gạo chợ Gốc, mắm cáy chợ Gốc. Việc chú trọng xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc thù không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững.

Sản phẩm mắm cáy chợ Gốc.

Xã Bình Thanh có khoảng 300ha canh tác lúa, chủ yếu gieo cấy giống lúa TBR225 và các giống lúa thuần chất lượng cao. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều năm qua HTX SXKD DVNN xã đã tham mưu Đảng ủy, UBND xã ban hành nhiều nghị quyết phát triển kinh tế nông nghiệp, chủ động đầu tư hệ thống máy sấy thóc từ năm 2019 và thực hiện liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Nhờ đó, xã đã quy hoạch được vùng sản xuất lúa giống liên kết với Tập đoàn ThaiBinh Seed và các doanh nghiệp khác với diện tích 125ha; vùng sản xuất lúa hàng hóa 35ha; vùng sản xuất lúa hữu cơ kết hợp khai thác thủy sản tự nhiên 12ha.

Xã Bình Thanh có khoảng 300ha canh tác lúa, chủ yếu gieo cấy giống lúa TBR225 và các giống lúa thuần chất lượng cao. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều năm qua HTX SXKD DVNN xã đã tham mưu Đảng ủy, UBND xã ban hành nhiều nghị quyết phát triển kinh tế nông nghiệp, chủ động đầu tư hệ thống máy sấy thóc từ năm 2019 và thực hiện liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Nhờ đó, xã đã quy hoạch được vùng sản xuất lúa giống liên kết với Tập đoàn ThaiBinh Seed và các doanh nghiệp khác với diện tích 125ha; vùng sản xuất lúa hàng hóa 35ha; vùng sản xuất lúa hữu cơ kết hợp khai thác thủy sản tự nhiên 12ha. 

Năm 2021, xã thành lập thêm HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh, được cấp 2.000m2 đất xây dựng nhà xưởng với 3 dây chuyền sấy thóc công suất 30 - 35 tấn/ngày, máy chế biến 5 tấn/ngày và cửa hàng trưng bày sản phẩm. HTX đảm nhiệm khâu sau thu hoạch như: thu mua, sấy, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hai sản phẩm chủ lực của xã là gạo chợ Gốc và mắm cáy chợ Gốc đã được xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, hoàn thiện website và đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. 

Nhờ tổ chức sản xuất đồng bộ và cơ giới hóa, chi phí sản xuất tại Bình Thanh giảm đáng kể, tiết kiệm trên 360.000 đồng/ sào. Việc sản xuất lúa giống giúp tăng thu nhập thêm khoảng 1,6 triệu đồng/sào, cao hơn thị trường gấp 1,3 lần. Đặc biệt, mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp khai thác cáy tự nhiên mang lại giá trị tăng thêm 3,2 triệu đồng/sào, nhờ giá gạo hữu cơ cao hơn gạo thông thường và nguồn lợi thủy sản phong phú. 

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Thanh cho biết: Trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên, HTX đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung, áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính. Tập trung xây dựng thương hiệu gạo chợ Gốc và mắm cáy chợ Gốc là hai sản phẩm đặc thù gắn liền với điều kiện tự nhiên ven sông Hồng, bảo đảm tiêu chí hữu cơ, an toàn, thơm ngon. Hiện nay, gạo chợ Gốc được cung cấp ổn định khoảng 50 - 70 tấn/năm, nơi tiêu thụ chính là các bếp ăn tập thể của trường mầm non và các doanh nghiệp. Mặc dù năm 2024 bị ảnh hưởng bởi bão số 3, năng suất lúa chỉ đạt 35 tạ/ha, nhưng HTX vẫn tổ chức sấy 350 tấn thóc, bao tiêu hơn 400 tấn thóc và cung cấp gần 50 tấn gạo chợ Gốc cùng 500 lít nước mắm cáy ra thị trường. Một trong những người dân gắn bó lâu năm với mô hình lúa giống, bà Đỗ Thị Ngải, thôn Khả Phú chia sẻ: Từ khi HTX mở rộng vùng giống mới, đời sống chúng tôi khá lên nhiều. Giống mới cấy cho năng suất cao, bán được giá, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn trước. Cùng quan điểm, bà Vũ Thị Sửu, thôn Khả Phú phấn khởi cho biết: Gia đình tôi canh tác 3 mẫu lúa giống mỗi vụ, đồng thời khai thác cáy tự nhiên bán cho HTX làm mắm cáy. Nhờ sản xuất đúng quy trình hữu cơ, một năm thu nhập từ thóc và cáy nhà tôi thu về khoảng 70 triệu đồng. 

Dù còn một số khó khăn như năng suất lúa hữu cơ thấp hơn lúa thường và sản lượng cáy phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, song Bình Thanh xác định sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng vùng sản xuất hữu cơ. HTX cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về giá trị và lợi ích lâu dài của sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Với cách làm bài bản, sáng tạo, gắn sản xuất với thị trường, Bình Thanh đang ngày càng khẳng định vị thế là vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc thù tiêu biểu của huyện Kiến Xương. 

HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh đầu tư máy móc hiện đại phục vụ chế biến gạo. 

Thu Thủy - Nguyễn Triệu