Thứ 7, 24/05/2025, 00:13[GMT+7]

Đại biểu Quốc hội kiến nghị cần có cuộc “đại phẫu” về thể chế

Thứ 6, 23/05/2025 | 15:32:27
477 lượt xem
Theo đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh), cần phải có một cuộc “đại phẫu” về thể chế thật sự, bắt đầu từ việc khoán rõ ràng cho từng bộ, ngành chỉ tiêu cắt giảm thủ tục hành chính theo từng lĩnh vực quản lý, đi kèm với cam kết, cơ chế giám sát và chế tài xử lý.

Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ sáng 23/5. (Ảnh: BÙI GIANG).

Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024…

Phải có cuộc cách mạng trong môi trường kinh doanh

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương), báo cáo của Chính phủ đã phản ánh đầy đủ, khách quan và toàn diện những kết quả đạt được, khó khăn tồn tại, cũng như các thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, kinh tế trong nước đối diện áp lực kép từ cả phía cung và cầu, và đặc biệt là tác động kéo dài của những biến chuyển về tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền.

Một vấn đề được đại biểu quan tâm hiện nay là tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, dẫn đến độ trễ nhất định từ khi luật có hiệu lực đến khi được thực hiện trong thực tế. Điều này theo đại biểu gây ra sự lúng túng, chờ đợi trong hệ thống chính quyền các cấp, làm giảm hiệu lực thực thi pháp luật và giảm sút niềm tin của người dân, doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương chủ động chuẩn bị, ban hành đầy đủ, đúng thời hạn các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là trong bối cảnh chuẩn bị sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và cấp tỉnh, đòi hỏi hệ thống pháp luật phải đồng bộ, rõ ràng, có tính khả thi cao.

Nhấn mạnh một nội dung được rất nhiều cử tri quan tâm, đó là việc thực thi các chính sách an sinh xã hội, đại biểu Việt Nga đề nghị: Đối với những chính sách an sinh mà Quốc hội đã thông qua và Chính phủ đã ban hành, phải được bố trí ngay nguồn lực và thực hiện đúng lộ trình, đúng thời gian. Tránh tình trạng “chính sách thì có, nhưng tổ chức thực hiện lại chậm trễ”, dẫn đến tâm lý thiếu hài lòng, thậm chí là hụt hẫng đối với người thụ hưởng.

Đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh). (Ảnh: BÙI GIANG).

Nhắc lại ngày 17/5 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 198 nhằm thể chế hóa Nghị quyết 68/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng đây là một bước tiến quan trọng mang tính đột phá về tư duy quản lý và thiết kế thể chế nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, phát huy hiệu quả ngay từ những tháng còn lại của năm 2025, làm tiền đề cho giai đoạn tiếp theo.

Nhằm biến mục tiêu cải cách từ khẩu hiệu thành hành động thực chất, tránh rơi vào tình trạng "lặp lại mục tiêu cũ, nhưng không có kết quả mới", đại biểu Nguyễn Như So đề nghị, cần phải có một cuộc “đại phẫu” thể chế thật sự, bắt đầu từ việc khoán rõ ràng cho từng bộ, ngành chỉ tiêu cắt giảm thủ tục hành chính theo từng lĩnh vực quản lý, có cam kết, có giám sát và có chế tài đi kèm.

“Nhiều doanh nghiệp mất cả năm để hoàn tất thủ tục, trong khi đối thủ nước ngoài đã vào cuộc, chiếm lĩnh thị phần. Nếu cứ tiếp tục cải cách theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”, chúng ta sẽ mãi tụt hậu trên chính sân nhà”, đại biểu chia sẻ.

Đại biểu nêu rõ, đã từng có “Khoán 10” làm nên cuộc cách mạng trong nông nghiệp nhờ dám trao quyền, cắt rào cản đúng chỗ. Giờ đây, nền kinh tế cần một “Khoán 10 mới” cho cải cách thể chế, khoán trách nhiệm cắt giảm thủ tục cho từng bộ, ngành theo lĩnh vực cụ thể.

Theo đại biểu, cần sớm nghiên cứu ban hành các chương trình hành động cụ thể nhằm xây dựng một thể chế đủ sâu để nuôi dưỡng, đủ rộng để bảo vệ, đủ linh hoạt để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, trong đó tập trung xây dựng các bộ chỉ số đánh giá, đo lường cụ thể có tính định lượng, thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá độc lập có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp, hiệp hội, kể cả cơ chế báo cáo ẩn danh, bảo vệ người phản ánh, công khai kết quả thực hiện, cũng như chế tài xử lý nếu không hoàn thành mục tiêu.

Một điều vô cùng quan trọng nữa theo đại biểu, cần phải kiến tạo một thị trường minh bạch, công bằng, liêm chính, không thể để gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái len lỏi, làm méo mó sân chơi, suy yếu niềm tin, bóp nghẹt những doanh nghiệp chân chính và xói mòn lòng tin thị trường như thời gian qua. Đây không chỉ là yêu cầu quản lý, mà là cam kết đạo đức với một nền kinh tế phát triển dựa trên giá trị thật.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: BÙI GIANG).

Cùng quan tâm đến vấn đề thể chế, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ, thể chế tiếp tục vẫn là một trong những “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua.

Đại biểu nhấn mạnh, vừa qua Trung ương ban hành 4 nghị quyết 57, 59, 66 và 68, không chỉ về kinh tế mà còn liên quan đến quản lý nhà nước, tư pháp, quyền con người, quyền công dân, an toàn và an sinh xã hội… Để các nghị quyết đi vào cuộc sống, đại biểu cho rằng phải được thể chế hóa một cách khoa học, đồng bộ, hợp lý, trúng đích.

“Nghị quyết có rồi, yêu cầu đặt ra phải thể chế hóa. Nhưng thể chế hóa làm sao để đặt ra được một hành lang pháp lý bền vững, ổn định thì mới phát triển được”, đại biểu Nghĩa nêu rõ.

Theo đại biểu, về thể chế, thời gian qua, các cử tri và doanh nghiệp phản ánh có hiện tượng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Khi đi vào các quy định cụ thể thì lại vướng hàng nghìn giấy phép con, thủ tục vẫn tiếp tục mọc lên, gây cản trở cho quá trình triển khai các dự án đầu tư cũng như đời sống của người dân. Cũng với đó, vẫn còn hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) thì bày tỏ “khá sốt ruột” với việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua.

“Tình trạng các doanh nghiệp phản ánh vướng mắc bất cập trong môi trường kinh doanh vẫn rất nhiều và thậm chí ngày càng đi vào những vấn đề khó. Nếu chúng ta không chấp nhận một cuộc cách mạng trong môi trường kinh doanh thì tôi e là những cải thiện nho nhỏ sẽ không mang lại kết quả đáng kể”, đại biểu nói.

Theo đại biểu, nếu không có đột phá về môi trường kinh doanh thì chắc chắn mục tiêu tăng trưởng dài hạn hai con số trong hai thập kỷ tiếp theo không thể đạt được. “Tôi cho rằng tháo gỡ khó khăn cho dự án đầu tư phải được coi là trọng tâm của trọng tâm khi muốn đặt mục tiêu tăng trưởng cao liên tục nhiều năm”, đại biểu nhấn mạnh.

Không để lãng phí các trụ sở sau sáp nhập

Góp ý vào nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk) nêu thực trạng: Hiện nay, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang được đẩy mạnh trong tình hình nước ta đang tập trung phát triển kinh tế với những chính sách vượt trội thu hút đầu tư, cùng với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính, sẽ có rất nhiều trụ sở, nhà, đất, tài sản, phương tiện.... của cơ quan dôi dư sau khi sắp xếp, sáp nhập.

Đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk). (Ảnh: BÙI GIANG).

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ, sát thực tế những khó khăn, bất cập; dự báo, nhận diện các vướng mắc, vấn đề phát sinh và có các giải pháp căn cơ, phù hợp với điều kiện các vùng, miền không để gây thất thoát, lãng phí tài sản, gây băn khoăn trong cán bộ, nhân dân và dư luận xã hội về thực hiện tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính.

Đồng thời, Chính phủ sớm có chương trình, đề án, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (đường, điện, viễn thông, thông tin...), trụ sở làm việc, phương tiện, nhà ở công vụ và các điều kiện cần thiết cho các cơ quan đi vào hoạt động kịp thời, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể và phục vụ nhân dân; nhất là ở miền núi, vùng cao, hải đảo, biên giới, khó khăn.

Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) cũng đề nghị tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản; kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế; nâng cao chất lượng quy hoạch để bảo đảm khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường.

Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang). (Ảnh: BÙI GIANG).

Đồng thời, rà soát các dự án, kiến nghị liên quan đến đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án có khó khăn, vướng mắc và các dự án sử dụng đất chậm tiến độ để có phương án, giải pháp tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư để sớm đưa đất vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả, không tiếp tục gây thất thoát, lãng phí.

Cùng với đó, theo đại biểu cần tiếp tục triển khai việc đánh giá và xử lý các dự án treo, dự án chưa đưa vào sử dụng, đất hoang hóa, để khai thác tối ưu hóa nguồn lực đất đai.

Về trụ sở nhà công vụ sau thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính và tinh gọn bộ máy, đại biểu kiến nghị Chính phủ quan tâm có chính sách để thực hành tiết kiệm chống lãng phí đối với trụ sở của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã sao cho hiệu quả nhất. Thực tế hiện nay cho thấy phần lớn trụ sở có vị trí đắc địa, thuận lợi, vì vậy cần sử dụng cho mục đích hiệu quả nhất.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày