Thứ 2, 12/05/2025, 14:50[GMT+7]

Nguyên Xá Nhộn nhịp làng nghề

Thứ 2, 04/08/2014 | 08:02:16
1,983 lượt xem
Nguyên Xá là một trong những xã phát triển nghề mạnh nhất của huyện Vũ Thư, có 4 thôn, 7.480 khẩu. Từ nghề mộc, mây tre đan truyền thống, đến nay Nguyên Xá đã phát triển đa dạng các loại ngành nghề. Nhờ đó đời sống người dân ngày càng nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Khởi Tiếp (Cụm công nghiệp Nguyên Xá, Vũ Thư) đầu tư 400 triệu đồng trang bị máy điêu khắc gỗ.

Chạm tới đất Nguyên Xá, hình ảnh xã nông thôn mới đã hiện hữu ngay trên những con đường, những ngôi nhà, trên các công trình cơ sở hạ tầng và đặc biệt là sự náo nhiệt trong làng nghề. Toàn xã có 4.595 người trong độ tuổi lao động, gần 4.000 người có việc làm thường xuyên. Ông Hoàng Văn Khảng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nguyên Xá có nghề mộc, mây tre đan truyền thống từ hàng trăm năm nay, thu hút đông đảo người dân tham gia. Trước đây hầu hết nhà nào cũng làm hai nghề này. Tuy nhiên do nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm, sản phẩm khó tiêu thụ nên mặt hàng mây tre đan có xu hướng giảm. Toàn xã còn 120 hộ duy trì làm nghề, tạo việc làm cho 450 lao động, giá trị sản xuất đạt từ 15 - 18 tỷ đồng/năm. Nghề mộc là nghề phát triển vượt trội có quy mô lớn với 180 hộ, tạo việc làm cho 530 lao động. Nếu trước đây các hộ đều làm thủ công thì nay 100% số hộ đầu tư mua máy móc hiện đại đưa vào sản xuất góp phần nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm. Ðặc biệt, những năm qua Nguyên Xá còn phát triển mạnh nghề may xuất khẩu với sự có mặt của 2 công ty lớn và hàng chục cơ sở nhỏ tạo việc làm cho hơn 800 lao động, giá trị sản xuất đạt trên 38 tỷ đồng. Ngoài ra, xã còn có hàng trăm lao động tham gia sản xuất gạch bê tông, xay xát, nấu rượu, làm bún bánh, chế biến thủy sản, xây dựng. Giá trị sản xuất bình quân trong làng nghề hai năm qua đạt từ 89 - 95 tỷ đồng/năm.

Ðể có được kết quả đó, ngoài việc tuyên truyền về phát triển nghề truyền thống, du nhập nghề mới, Nguyên Xá còn quan tâm tới công tác đào tạo nghề cho người lao động và tổ chức cho chủ các cơ sở sản xuất đi học tập kinh nghiệm. Ðặc biệt, từ năm 2008 xã đã quy hoạch cụm công nghiệp với diện tích 15ha, thu hút 9 dự án đầu tư, trong đó 7 dự án đã hoàn thành với tổng nguồn vốn thực hiện 41,65 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, xã tập trung nguồn lực nâng cấp 2 chợ truyền thống trên địa bàn (chợ Lựa và chợ Thái) để đẩy mạnh giao thương buôn bán các sản phẩm của làng nghề. Ðến nay cả 2 chợ đều được xây dựng khá kiên cố, đáp ứng  nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân trong xã và các xã lân cận.

Tới cụm công nghiệp làng nghề, chúng tôi được ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH HNL Việt Nam cho biết: Những năm qua Công ty đã đầu tư xây dựng nhà xưởng trên diện tích 1.615m2 với 49 máy tạo việc làm cho 60 lao động trong và ngoài xã với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù cuối năm 2013, đầu năm 2014 Công ty gặp nhiều khó khăn nhưng tới hết tháng 5/2014 Công ty vẫn đạt doanh thu 877 triệu đồng, dự kiến hết năm 2014 sẽ sản xuất trên 10.000 sản phẩm, doanh thu đạt 3 tỷ đồng. Tại Công ty TNHH May Quang Huy, ông Châu Văn Thuận, Giám đốc Công ty chia sẻ: “Xuất phát từ niềm đam mê kinh doanh cùng với sự giúp đỡ của địa phương, tôi đã đầu tư mở rộng nhà xưởng ra cụm công nghiệp của xã trên diện tích 2.250m2 đồng thời tuyển 325 lao động vào làm với mức lương bình quân 3,4 triệu đồng/người/tháng. Năm 2013 Công ty đạt doanh thu hơn 28 tỷ đồng, nộp ngân sách 1,5 tỷ đồng. Thời gian tới Công ty tiếp tục đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất, phấn đấu doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng”.

Cụm công nghiệp làng nghề Nguyên Xá còn có 5 cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Khởi Tiếp cho chúng tôi biết: “Tôi tiếp cận nghề gỗ từ bé bởi đây là nghề có sẵn ở địa phương. Sau khi học nghề thành thạo, tới năm 2007 gia đình tôi vay ngân hàng 15 triệu đồng cùng với nguồn vốn của anh em bạn bè để nhập nguyên liệu và trực tiếp sản xuất các sản phẩm từ gỗ. Sau một thời gian làm ăn có lãi, năm 2009 chúng tôi quyết định mở cơ sở sản xuất tại cụm công nghiệp làng nghề trên diện tích 2.250m2 đồng thời đầu tư gần 1 tỷ đồng mua máy móc hiện đại nhằm đa dạng sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng’’. Bình quân mỗi năm cơ sở anh Tiếp bán ra hàng nghìn sản phẩm, trong đó các mặt hàng chủ yếu như giường, tủ, bàn ghế, sập thường đạt trên 1.000 sản phẩm. Nếu như mọi năm mặt hàng gỗ thường bán chạy vào dịp cuối năm thì từ năm 2013 tới nay nhu cầu mua sắm của người dân đã đều hơn và có xu hướng gia tăng. Do đó năm 2014 anh Tiếp đã tuyển thêm 10 lao động, nâng tổng số công nhân lên 30 người với mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Dự tính năm 2014 cơ sở của anh Tiếp đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với năm 2013.

Với sự phát triển trên, đến nay cơ cấu kinh tế của Nguyên Xá chuyển biến tích cực, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt: hộ nghèo giảm còn 58 hộ, chiếm 2,78%; tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 70%; toàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, nhà cao tầng chiếm trên 30%; thu nhập bình quân đầu người đạt 24,5 triệu đồng/năm. Nguyên Xá phấn đấu hết năm 2014 tổng giá trị sản xuất đạt 198,5 tỷ đồng, trong đó công nghiệp đạt 106 tỷ đồng, thương mại dịch vụ đạt 50 tỷ đồng.

Thu Thủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày