Hưng Hà Duy trì, phát triển nghề và làng nghề
Nghề dệt khăn ở thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà).
Để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững, những năm qua Hưng Hà đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt bằng, vốn cho các cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề đầu tư máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, như hỗ trợ 3 triệu đồng cho một máy dệt khăn bán công nghiệp, 10 triệu đồng cho máy dệt chiếu công nghiệp, 20 triệu đồng cho một máy dệt khăn và lưới nilon công nghiệp. Trong 4 năm qua, huyện đã hỗ trợ được 379 máy dệt khăn bán công nghiệp, 4 máy dệt khăn công nghiệp, 142 máy dệt chiếu công nghiệp. Chính sách hỗ trợ này đã tạo bước đột phá trong việc tăng sản lượng, chất lượng cũng như giá trị sản xuất của làng nghề.
Đến nay, Hưng Hà có 22 làng nghề dệt chiếu, trong đó xã Tân Lễ có 10 làng, thị trấn Hưng Nhân có 10 làng, Canh Tân và Hòa Tiến mỗi xã có 1 làng. Các làng nghề dệt chiếu hiện thu hút hơn 6.500 lao động địa phương với thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2010, toàn huyện có gần 100 máy dệt chiếu công nghiệp, đến nay đã tăng lên 350 máy trong đó có 110 máy dệt chiếu cói, 240 máy dệt chiếu nilon. Khung dệt chiếu thủ công giảm gần 1.000 khung, đây cũng là xu thế tất yếu khi máy móc công nghiệp tạo ra được sản lượng lớn, giải phóng sức lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2013, giá trị sản xuất của nghề dệt chiếu đạt 453 tỷ đồng, chiếm 23% giá trị sản xuất công nghiệp của huyện. 6 tháng đầu năm 2014, các làng nghề sản xuất được trên 7,5 triệu lá chiếu, doanh thu đạt 385 tỷ đồng.
Bên cạnh phát triển nghề dệt chiếu, Hưng Hà còn có thế mạnh về nghề dệt khăn. Toàn huyện có 17 làng nghề dệt, trong đó xã Thái Phương, Kim Trung, thị trấn Hưng Nhân là những địa phương có số lượng làng nghề dệt khăn nhiều nhất. Do tác động của khủng hoảng kinh tế trong nước và thế giới, những năm gần đây, nghề dệt khăn cũng gặp không ít khó khăn. Đến cuối năm 2013, hoạt động sản xuất khăn có chiều hướng khởi sắc và dần đi vào ổn định khi các doanh nghiệp đã ký được những đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Năm 2013, giá trị sản xuất của các làng nghề dệt khăn đạt 900 tỷ đồng, chiếm 45% giá trị sản xuất công nghiệp của huyện. Hiện nay, Hưng Hà có 5.376 máy dệt khăn bán công nghiệp, 30 máy dệt khăn công nghiệp (tăng 130 máy dệt khăn bán công nghiệp và 8 máy dệt khăn công nghiệp so với năm 2013). Ngoài dệt khăn, Hưng Hà còn duy trì và phát triển tốt nghề chế biến lương thực. Hiện nay, toàn huyện có 3 làng làm bún và bánh đa tập trung ở xã Tân Hòa, Điệp Nông và thị trấn Hưng Nhân. Hàng năm, giá trị sản xuất từ nghề làm bún, bánh đa duy trì ổn định ở mức 175 tỷ đồng/năm. Đầu năm nay, huyện còn du nhập một số nghề mới như nghề dệt lưới nilon đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động.
Cùng với những kết quả đạt được, một số làng nghề ở Hưng Hà có dấu hiệu suy giảm. Điển hình là làng nghề làm hương Văn Quán, xã Duyên Hải, làng nghề mây tre đan Ngọc Liễn, xã Văn Cẩm, làng nghề dệt chiếu Buộm thị trấn Hưng Nhân. Những làng nghề này đều giảm số lượng lao động và giá trị sản xuất. Nguyên nhân chính là do mặt hàng của các làng nghề này chưa cải tiến được nhiều mẫu mã phù hợp với thị trường, chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đặc biệt, làng nghề làm hương Văn Quán, sản phẩm từ đầu năm 2013 đến nay tiêu thụ chậm do nhu cầu của thị trường có phần hạn chế.
Để phát triển nghề và làng nghề bền vững, Hưng Hà đang phải đối mặt với không ít khó khăn như thiếu nguồn lao động có trình độ, quy trình sản xuất ở một số làng nghề lạc hậu, cơ sở hạ tầng, đường giao thông xuống cấp, tình trạng ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề, huyện đã triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp Phương La (xã Thái Phương), đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề xây dựng khu xử lý nước thải đạt yêu cầu theo quy định. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung 4 năm trở lại đây hoạt động sản xuất từ nghề và làng nghề của Hưng Hà vẫn được duy trì và phát triển ổn định. 6 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt hơn 936 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó, giá trị sản xuất của 49 làng nghề đạt hơn 860 tỷ đồng, chiếm 75%, thu hút trên 22.000 lao động.
Thời gian tới, Hưng Hà tiếp tục thực hiện những cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nghề và làng nghề, thường xuyên phối hợp với các đơn vị, công ty tổ chức đào tạo, dạy nghề, sử dụng máy móc công nghiệp trong sản xuất. Tăng cường tìm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời đề nghị các ngân hàng điều chỉnh mức lãi suất phù hợp cho các doanh nghiệp, hộ gia đình vay vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Trần Tuấn
Tin cùng chuyên mục
- Sắc xuân trên làng hoa, cây cảnh ở Đông Hưng 17.01.2025 | 08:56 AM
- Làng hoa cây cảnh Quỳnh Hồng tất bật vào tết 30.12.2024 | 16:03 PM
- Vườn đào Minh Tân vào mùa tuốt lá 09.12.2024 | 08:43 AM
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
Xem tin theo ngày
-
UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả