Vai trò của phương Tây trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine
Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo phe đối lập Ukraine gồm: Ông Arseniy Yatsenyuk (phải) và ông Vitaly Klitschko (trái) trong buổi đối thoại ở Berlin, ngày 17/2 (Ảnh: AP)
Ngày 17/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có buổi gặp các nhà lãnh đạo phe đối lập Ukraine, gồm người đứng đầu đảng Fatherland, ông Arseniy Yatsenyuk và lãnh đạo đảng UDAR Vitaly Klitschko tại Berlin, để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức - ông Steffen Seibert cho biết, trong cuộc đối thoại này, bà Merkel và các đại diện đối lập tại Ukraine tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấm dứt các hành động bạo lực trong bối cảnh tình hình đã trở nên “căng thẳng tột độ” ở quốc gia này. Về phía bà Merkel thừa nhận việc chính phủ Ukraine ban hành Luật Ân xá cho những người biểu tình bị bắt giữ là một “bước đi tích cực”, tuy nhiên, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh, đã đến thời điểm Ukraine cần tiếp tục thúc đẩy một tiến trình hình thành chính phủ mới và thực hiện các biện pháp về cải cách thể chế. Qua đó, bà Merkel cam kết, Đức và EU sẽ “làm tất cả những gì có thể” để bảo đảm một kết quả được nhà lãnh đạo này đánh giá là “tích cực” cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Phát biểu trong cuộc họp báo, ngày 17/2, hai nhà lãnh đạo đối lập của Ukraine đã tỏ ý hài lòng về kết quả của buổi đối thoại với nữ Thủ tướng Đức, đồng thời nhấn mạnh rằng, họ đang cân nhắc về mọi phương án cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Bên cạnh đó, ông Yatsenyuk và ông Klitschko tiếp tục nhấn mạnh đến sự hỗ trợ kinh tế từ phía EU và Quỹ tiền tệ quốc tế cho phe đối lập Ukraine. Trong một tuyên bố nhằm tỏ rõ quyết tâm theo đuổi đến cùng mục tiêu thay đổi chính quyền tại Ukraine, ông Yatsenyuk nói: “Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ vào khả năng nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế ở Ukraine… Người dân Ukraine đang đấu tranh vì tự do, công lý và sẽ theo đuổi mục tiêu này đến cùng cho tới khi giành chiến thắng… Chúng tôi quyết tâm xây dựng nên một chính phủ toàn diện tại Ukraine, không phải là một bộ máy công quyền tham nhũng mà là một chính phủ theo đường lối dân chủ và thân châu Âu. Chính phủ này sẽ nhận được sự hỗ trợ của các đối tác châu Âu nhằm mục tiêu ổn định tình hình kinh tế trong nước”.
Trong một tuyên bố mới đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf đã hoan nghênh chính quyền Kiev quyết định trao trả tự do cho những người biểu tình bị giam giữ theo Luật Ân xá mới. Tuy nhiên, bà Harf cũng tiếp tục kêu gọi Tổng thống Ukraine ngừng “mọi hành vi điều tra, bắt giữ, giam cầm và truy tố người biểu tình và các nhà hoạt động xã hội dân sự ở Ukraine”. Chính quyền Washington “quan ngại một cách sâu sắc” về những lời biện hộ của một số phương tiện truyền thông và các tổ chức về “các nguyên tắc dân chủ cơ bản và năng lực điều hành của chính phủ Ukraine”. Qua đó, phát ngôn viên trên cho rằng, trước mắt, Ukraine cần tiếp tục theo đuổi tiến trình hình thành nên một chính phủ mới, hoạt động dựa trên nguyên tắc chia sẻ trách nhiệm và quyền lực, bảo đảm được sự tin tưởng của người dân Ukraine và có khả năng khôi phục sự ổn định kinh tế, chính trị tại quốc gia này.
Trong một phản ứng tức thời, ngày 17/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho rằng, bản tuyên bố trên của Mỹ đã chứng tỏ Washington đang cố tình “áp đặt một giải pháp riêng” cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, dưới hình thức “khuyên nhủ” các nhà chức trách nước này phải làm những gì và cách thức ra sao để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Lời tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga không phải là vô lý khi ngay từ những ngày đầu cuộc khủng hoảng chính trị nhen nhóm tại Ukraine từ tháng 11/2013, người ta đã thấy rõ vai trò của một số lãnh đạo phương Tây khi liên tiếp xuất hiện để “vận động” tại các địa điểm tụ tập người biểu tình ở Ukraine. Cho đến nay, tình hình bất ổn tại quốc gia Đông Âu này đã tiếp diễn được gần 4 tháng và chưa một giây phút nào lại thiếu vắng sự can thiệp của phương Tây, từ việc kêu gọi, hối thúc tới đe dọa gây áp lực lên chính quyền Kiev trong những “bước hành động” để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Đất nước Ukraine hiện đang đứng ở ngã rẽ giữa thế giằng co Đông – Tây và sự căng thẳng trong nội bộ quốc gia này dưới sự chi phối của các nước phương Tây. Mọi diễn biến hiện nay cho thấy, sự căng thẳng chính trị hiện có ở Ukraine phần nhiều là do lực lượng đối lập “đang ngày càng làm tới” với sự hỗ trợ từ các thế lực bên ngoài. Trong vài tháng qua, chính phủ Ukraine đã có nhiều nỗ lực và những động thái cụ thể để hàn gắn bất đồng với phe đối lập nhằm tìm kiếm một giải pháp ôn hòa cho cuộc khủng hoảng.
Tổng thống Victor Yanukovych đã đưa ra những nhượng bộ nhất định khi đồng ý thành lập chính phủ liên minh “phi chính trị” với phe đối lập, đồng thời thông qua Luật Ân xá mới để trao trả tự do cho tất cả những người biểu tình bị bắt giữ theo yêu cầu của lực lượng đối lập… Tuy nhiên, những đáp ứng này của ông Yanukovych xem ra vẫn chưa thể làm hài lòng phe đối lập bởi mục tiêu cuối cùng của họ hiện không chỉ dừng lại ở việc gây sức ép buộc ông Yanukovych phải thông qua thỏa thuận liên kết với EU như những ngày đầu bùng phát biểu tình vào tháng 11/2013, mà nay đã trở thành việc lật đổ chính phủ do ông lãnh đạo để hình thành nên một bộ máy điều hành mới do phe đối lập giành quyền chi phối.
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine diễn biến từ những cuộc biểu tình trong hòa bình, nay đã trở thành các cuộc đụng độ bạo lực chống chính phủ. Tình hình rối ren tại quốc gia Đông Âu này có xu hướng không chỉ dừng lại ở một cuộc khủng hoảng chính trị mà đã trở thành một cuộc xung đột dân sự, gây nhiều thương vong cho dân thường. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine dự báo sẽ còn tiếp diễn leo thang nếu như sự nhượng bộ và thỏa hiệp không xuất phát từ cả hai phía.
Theo giới quan sát, có lẽ đã đến lúc phe đối lập cần tìm kiếm một điểm dừng và có một tiếng nói riêng để giải quyết vấn đề, trước khi sự kiên nhẫn và nhượng bộ của chính quyền Kiev vượt quá giới hạn cho phép và đẩy quốc gia này vào một “kịch bản nguy hiểm”./.
Theo dangcongsan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
-
Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
- Kiểm tra công tác chuẩn bị phương án bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tại thành phố Thái Bình
- Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất, đời sống xã hội