Thứ 5, 29/05/2025, 15:34[GMT+7]

Bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trước mùa mưa bão

Thứ 4, 28/05/2025 | 09:01:30
808 lượt xem
Tỉnh đang khẩn trương triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, công trình phòng, chống thiên tai (PCTT) trước mùa mưa bão năm 2025. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, huy động nguồn lực tu bổ, khắc phục những hư hỏng do ảnh hưởng của bão số 3 năm 2024, chuẩn bị phương án ứng phó hiệu quả với mọi tình huống bất thường của thời tiết.

Cống Thanh Niên đã hoàn thành thi công phần thân cống và tường cánh thượng, hạ lưu.

Bảo đảm chất lượng thi công các công trình 

Hiện nay, các công trình phục vụ công tác PCTT, sản xuất nông nghiệp được chủ đầu tư và đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ. Dự án xử lý cấp bách đoạn đê biển số 5 tại xã Nam Cường (Tiền Hải) được khởi công từ ngày 12/2/2025. Dự án đang triển khai nắn tuyến đê cũ về phía biển, chiều dài đoạn tuyến 95m; xây dựng hoàn chỉnh mặt cắt đê rộng 6,5m. Đồng thời, dự án xây dựng mới nhà quản lý cống tại vị trí K16+475, thay thế công trình cũ đã xuống cấp. Ông Nguyễn Trọng Hạp, chỉ huy trưởng công trình, Công ty Cổ phần Xây dựng Hải Phong cho biết: Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chúng tôi tập trung huy động tối đa nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng, tiến độ công trình theo kế hoạch được giao.

Dự án xử lý cấp bách tuyến đê I xã Bình Thanh, xã Bình Định, xã Hồng Tiến huyện Kiến Xương được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, thi công theo hình thức cuốn chiếu và lập phương án PCTT trong mùa mưa bão năm 2025. Hiện đã hoàn thiện mặt cắt và cứng hóa mặt đê đoạn từ cống Tân Ấp đến cống Tân Lập với tổng chiều dài khoảng 8,3km, bao gồm xây dựng kè gia cố mái đê, đường hành lang chân đê, các cống dưới đê, đắp tầng phản áp; xây dựng các cống: cống Thanh Niên, cống Lê Chung, cống Cao Bình 2 và đồng bộ các công trình trên tuyến. Hiện nay, các đơn vị nhà thầu đang tiến hành thi công đúc cấu kiện tấm lát, ống buy, cọc bê tông, tập kết đất đắp đê và thi công những đoạn đê, cống qua đê đã có mặt bằng thi công. Giá trị thực hiện dự án đến nay ước đạt 37/245,97 tỷ đồng, đạt 15% tổng giá trị hợp đồng. Ông Tô Xuân Đạt, Trưởng phòng Điều hành dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Ban Quản lý dự án phối hợp đơn vị thi công xây dựng phương án bảo vệ công trình đang thi công, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện để xử lý sự cố xảy ra trong suốt mùa mưa bão; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thi công bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt bão.  

Huy động nguồn lực tu bổ đê điều sau ảnh hưởng của bão số 3 năm 2024 

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đê điều toàn tỉnh. Nhằm bảo đảm an toàn trước mùa mưa bão năm 2025, tỉnh đã huy động nguồn lực để tu bổ, sửa chữa các điểm đê, cống hư hỏng, với tổng mức đầu tư trên 320 tỷ đồng, trong đó 200 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024.

Các công trình tập trung xử lý các tuyến đê, cống bị ảnh hưởng do bão, thường gặp tình trạng thấm, rò rỉ, mặt đê hẹp, hư hỏng, không bảo đảm an toàn chống lũ, gây khó khăn cho công tác cứu hộ. Một số cống được xây dựng từ lâu có biểu hiện nứt, thấm lậu, không còn đáp ứng yêu cầu như: đê cửa sông hữu Trà Lý, đoạn từ K0+000 đến K12+000 tại Kiến Xương, Tiền Hải; cống Đình Cứ (K9+897) trên đê cửa sông hữu Trà Lý tại Tiền Hải; đê cửa sông Trà Lý (K4+000 đến K14+300) tại Thái Thụy; đê hữu Hóa (K7+000 đến K12+000) tại Quỳnh Phụ... 

Huyện Vũ Thư có 58km đê quốc gia (sông Hồng và sông Trà Lý), trên 41km đê bối, 23 kè, 31 cống dưới đê; trong đó có 6 trọng điểm đê, kè, cống xung yếu. Bão số 3 năm 2024 khiến một số tuyến bờ bao, đê bối xung yếu của huyện Vũ Thư bị tràn, gây thiệt hại lớn đến sản xuất, đời sống sinh hoạt cũng như ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đê của tỉnh. Bà Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đã trích 3,2 tỷ đồng hỗ trợ 6 xã bị ảnh hưởng. Đồng thời, bố trí nguồn lực đầu tư tu bổ, nâng cấp xây mới hệ thống trạm bơm tiêu tại các xã: Vũ Vân, Bách Thuận, Hồng Lý và Xuân Hòa với kinh phí gần 40 tỷ đồng nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTT, bão lũ cũng như đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất. 

Ông Phí Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa bão, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh phân công nhiệm vụ tới các thành viên của Ban. Trong đó, tiến hành kiểm tra, phân loại các trọng điểm xung yếu của đê, kè, cống ở từng tuyến đê. Toàn tỉnh hiện có 2 trọng điểm xung yếu cấp tỉnh, 42 trọng điểm xung yếu cấp huyện. Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố và các ngành liên quan lập phương án hộ đê, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện bảo đảm xử lý kịp thời sự cố xảy ra. Ngoài ra, đối với các công trình đê điều đang được tu bổ, nâng cấp, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trước mùa mưa bão. Căn cứ diễn biến, chất lượng các cống dưới đê, các huyện cần chủ động kiểm tra các cống đã hoành triệt dưới đê, xét thấy không an toàn phải hoành triệt lại; kiểm tra các cửa khẩu, băng két qua đê, chuẩn bị sẵn đất và bao tải dự trữ để xử lý khi có sự cố. 

Đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy lợi và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát thi công, bảo đảm chất lượng và tiến độ. 

Nguyễn Thơi  

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày