Thứ 6, 23/05/2025, 16:57[GMT+7]

Phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ: Nhìn từ những vụ việc đau lòng

Thứ 6, 23/05/2025 | 09:41:23
603 lượt xem
Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo, song tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em, đặc biệt là đuối nước vẫn diễn biến phức tạp trong thời gian qua, gây hậu quả thương tâm và gánh nặng lâu dài cho gia đình, xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do sự lơ là của người lớn và sự bất cẩn trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Thực tế này đòi hỏi các giải pháp phòng ngừa cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ và liên tục.

Các em nhỏ học bơi tại bể bơi di động ở xã Hòa Bình (Kiến Xương).

Những con số ám ảnh - Mối nguy cơ thường trực 

Theo Công an tỉnh Thái Bình, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ đuối nước, làm 15 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là trẻ em. Đáng chú ý, riêng trong tháng 4 đã ghi nhận tới 10 vụ đuối nước - con số cảnh báo về mức độ nguy hiểm khi mùa hè đến. Một số vụ việc điển hình cho thấy hậu quả nghiêm trọng của tai nạn đuối nước. Ngày 4/4, tại xã Đông Hoàng (Tiền Hải), một cháu bé sinh năm 2023 không may trượt chân xuống ao trước cửa nhà và tử vong. Ngày 12/4, một học sinh sinh năm 2012 ở xã Đông Quang cùng nhóm bạn ra cống thoát nước trong thôn tắm, không may bị đuối nước. Ngày 23/4, một sinh viên tại xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) bị mất tích khi tắm sông, thi thể được tìm thấy sau ba ngày tìm kiếm. Đặc biệt thương tâm, chiều 30/4, tại ao đình thôn Phú Ốc, xã Thái Hưng (Hưng Hà), người dân phát hiện thi thể hai bé gái là chị em họ bị đuối nước. Nạn nhân là cháu L.T.V (sinh năm 2014) và cháu N.T.H.M (sinh năm 2015) cùng trú tại Hưng Hà, khiến ai chứng kiến cũng không khỏi xót xa. 

Nguyên nhân dẫn đến các vụ đuối nước khá đa dạng. Trong đó, việc trẻ em tắm ao, sông mà không có sự giám sát của người lớn là yếu tố chính. Bên cạnh đó, việc người lớn bất cẩn trong lao động, sản xuất ở khu vực sông nước cũng góp phần gia tăng số vụ đuối nước. Thời tiết nắng nóng đầu mùa cũng làm tăng nguy cơ, khi trẻ em thường tìm đến sông, hồ, ao để giải nhiệt, trong khi kỹ năng bơi lội của các em còn hạn chế hoặc không được trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn dưới nước. Ngoài ra, một số khu vực sông, hồ... chưa có đầy đủ biển báo nguy hiểm, rào chắn an toàn, hoặc lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp làm tăng nguy cơ tai nạn. 

Không chỉ đuối nước, trẻ em còn có thể gặp nhiều loại TNTT khác trong sinh hoạt thường ngày như ngã, bỏng, điện giật, tai nạn giao thông, bị vật sắc nhọn gây thương tích... Đa phần các vụ việc xảy ra trong dịp nghỉ lễ, nghỉ hè - thời điểm trẻ không đến trường, ở nhà hoặc tự chơi ngoài trời mà không có người lớn giám sát. Bác sĩ Phạm Thị Bích Đào, Khoa Ngoại - Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa Phụ Dực, huyện Quỳnh Phụ cho biết: TNTT ở trẻ em có rất nhiều nguyên nhân như bỏng, đuối nước, điện giật, té ngã, bị vật sắc nhọn đâm, cắt, tai nạn máy móc, động vật cắn, ngộ độc, dị vật đường thở, tai nạn giao thông, đánh nhau… Trong các nguyên nhân tử vong do TNTT ở trẻ em, thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu. 

Có nhiều ca bệnh nặng và rất nặng, đặc thù là trẻ nhỏ nên việc chăm sóc đòi hỏi cần nhiều thời gian hơn. Theo thống kê của ngành y tế, khoảng 70% ca tử vong và 57% số ca bị thương ở trẻ hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu người lớn quan tâm, cẩn trọng hơn, tạo ra môi trường an toàn hơn và trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ từ sớm. 

Nhiều trẻ được phụ huynh cho học võ thuật để rèn luyện sức khỏe, biết cách tự vệ khi cần thiết.

Chung tay xây dựng môi trường an toàn cho trẻ 

Theo nhiều chuyên gia, TNTT xảy ra có thể để lại nỗi đau dai dẳng ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ. Với mục tiêu kiểm soát, giảm thiểu TNTT ở trẻ em trên tất cả các loại hình, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai các hoạt động, mô hình tư vấn, giáo dục thực hành kỹ năng phòng, chống TNTT ở trẻ em tại cộng đồng, trường học và cơ sở nuôi dưỡng trẻ. Kiện toàn hệ thống sơ cứu, cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng, cứu hộ cứu nạn nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu tổn thương về sức khỏe, tinh thần của trẻ em do TNTT. 

Nhằm tăng cường phòng, chống tai nạn đuối nước đối với trẻ em, hàng năm, trước các đợt nghỉ hè, UBND huyện Hưng Hà tăng cường chỉ đạo các ban, ngành chức năng, các đoàn thể, UBND các xã, thị trấn, các nhà trường phối hợp thực hiện các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, chủ động đưa trẻ đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước, nhất là vào dịp hè khi các em vừa kết thúc năm học. Qua sự việc thương tâm tại xã Thái Hưng vừa qua, UBND huyện yêu cầu các địa phương, đặc biệt là tại trường học phải đặc biệt tăng cường công tác giảng dạy ngoại khóa về phòng, chống đuối nước cho học sinh, các thầy cô giáo chủ nhiệm chủ động liên hệ với hội phụ huynh tại mỗi lớp tăng cường phối hợp với gia đình nhắc nhở, hướng dẫn các cháu nắm bắt, học hỏi các kỹ năng phòng, chống đuối nước. 

Tại Trường Tiểu học và THCS Nguyên Xá (Đông Hưng), việc trang bị kỹ năng phòng tránh TNTT đã trở thành một nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục. Những buổi sinh hoạt lớp, chào cờ đầu tuần, tiết học đạo đức được lồng ghép nội dung tuyên truyền về an toàn giao thông, kỹ năng tránh đuối nước, an toàn điện... Em Nguyễn Ngọc Tú Linh, học sinh lớp 7, Trường Tiểu học và THCS Nguyên Xá chia sẻ: Sau khi được thầy cô hướng dẫn, em đã biết không đi bơi khi không có người lớn giám sát, tránh xa những nơi nguy hiểm. Khi đi đường, em luôn đội mũ bảo hiểm và tuân thủ về an toàn giao thông. Ông Nguyễn Hữu Hoàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường thường xuyên nhắc nhở học sinh về các nguy cơ tai nạn, trong đó chú trọng đến các nguy cơ như đuối nước, điện giật và an toàn khi tham gia giao thông. Thầy cô các môn Công nghệ, Vật lý cũng lồng ghép dạy học sinh kỹ năng an toàn điện, an toàn khi sử dụng thiết bị điện. 

Mỗi dịp hè, xã An Đồng (Quỳnh Phụ) tiếp nhận khoảng 1.000 học sinh về sinh hoạt tại địa phương. Theo ông Nguyễn Trọng Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã: Nhằm tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho thanh, thiếu nhi, các ban, ngành, đoàn thể của xã tăng cường triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Các nội dung trọng tâm được thực hiện gồm: tuyên truyền kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy, nổ; kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục, sử dụng mạng xã hội an toàn; cảnh báo các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo trẻ em vi phạm pháp luật. Đồng thời, tuyên truyền về trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục, quản lý con và bảo đảm an toàn trong dịp hè, vận động các gia đình cho con học bơi. Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống đuối nước tại các khu dân cư; xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là tình trạng học sinh sử dụng xe máy, xe điện không đúng quy định. Ngoài ra, xã An Đồng đẩy mạnh truyền thông về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, phòng, chống bạo lực, chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đoàn Thanh niên xã cũng tổ chức các lớp dạy bơi, cắm biển cảnh báo khu vực nước sâu, nguy hiểm. 

Anh Thiệu Minh Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Trong dịp hè hàng năm, các cấp bộ đoàn đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho thiếu nhi như: Tổ chức sinh hoạt hè, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, ngày hội cho thiếu nhi. Đồng thời triển khai các lớp tập huấn kỹ năng phòng, chống đuối nước, phòng, chống TNTT và xâm hại; tổ chức các hoạt động kiểm tra, rà soát, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm nguy cơ đuối nước cao. Tiếp tục vận động nguồn lực xã hội hóa xây dựng các bể bơi di động cho trẻ em; chủ động lên tiếng, bảo vệ, hỗ trợ trẻ em thông qua các vụ việc liên quan đến trẻ em; vận động xây dựng, nâng cấp, sửa chữa điểm sinh hoạt, vui chơi cho thiếu nhi; xây dựng nhà nhân ái, nhà tình nghĩa, nhà khăn quàng đỏ, nhà vệ sinh cho em... 

Dù các cấp, các ngành đầu tư các nguồn lực, đưa ra các giải pháp tốt đến đâu nhưng nếu cha mẹ, gia đình không cập nhật các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, cũng như thường xuyên giám sát và bảo vệ trẻ em khỏi những TNTT trong gia đình, cộng đồng thì nguy cơ với trẻ em vẫn xảy ra. Tháng 6 hàng năm là Tháng hành động vì trẻ em. Đây là thời điểm trẻ em nghỉ hè, nguy cơ TNTT tăng cao. Chỉ khi nào gia đình quan tâm đúng mức; địa phương tổ chức hoạt động bổ ích; xã hội chung tay bảo vệ, tạo môi trường sống an toàn, mới có thể ngăn chặn những tai nạn thương tâm - vốn hoàn toàn có thể phòng tránh.

Các em học sinh ở xã Thụy Xuân (Thái Thụy) tham gia câu lạc bộ bóng rổ.

Xuân Phương