Thứ 2, 19/05/2025, 20:27[GMT+7]

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tiến tới xây dựng chính quyền điện tử

Thứ 5, 17/09/2015 | 08:41:50
301 lượt xem
Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính và phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh được triển khai khá đồng bộ, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tập trung cho việc xây dựng trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử trong tương lai.

Cán bộ bộ phận một cửa, một cửa liên thông UBND thành phố Thái Bình hướng dẫn người dân tra cứu thủ tục hành chính trên bảng điện tử. Ảnh: Thành Tâm.

 

Từ năm 2013, mạng văn phòng điện tử liên thông đã kết nối liên thông từ tỉnh, huyện xuống xã, bao gồm các cơ quan Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 770 cơ quan, đơn vị sử dụng mạng văn phòng điện tử liên thông. Sở Thông tin và Truyền thông đã cấp 8.175 tài khoản mạng văn phòng điện tử liên thông, 4.020 địa chỉ thư điện tử cho các cơ quan. Toàn tỉnh đã sử dụng chung một hệ thống phần mềm và tích hợp thành công chữ ký số vào phần mềm để xác thực việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan nhà nước, an toàn, an ninh thông tin được bảo đảm hơn thông qua việc ký số các văn bản điện tử. Thái Bình trở thành tỉnh đi đầu trong cả nước về trao đổi văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan nhà nước từ tỉnh xuống xã. Hệ thống này đã giúp các đơn vị quản lý, sử dụng hồ sơ, văn bản được thuận tiện, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành cũng như việc trao đổi thông tin và văn bản giữa các cá nhân, đơn vị.

 

Những năm qua, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư cho lĩnh vực CNTT phục vụ cải cách hành chính, nhất là giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và xây dựng trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện. Trong giai đoạn 2012 - 2015, tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các dự án về CNTT phục vụ công tác chuyên môn của các ngành, nhất là dự án hệ thống mạng văn phòng điện tử liên thông và bộ phận một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư đặt tại Văn phòng UBND tỉnh đang hoạt động rất hiệu quả. Ông Nguyễn Tuấn, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh kiêm Trưởng Bộ phận một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư của tỉnh khẳng định: Sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, Bộ phận một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư đã thể hiện rõ hiệu quả, hầu hết các thủ tục, nhất là thủ tục về đất đai đều được rút ngắn thời gian giải quyết từ 50 - 75% so với quy định đã tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, được các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Hiện tại, UBND tỉnh đã và đang triển khai xây dựng trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện để nâng cấp trang thiết bị, CNTT và tiếp tục hoàn thiện cơ chế một cửa liên thông trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

 

Bên cạnh đó, việc duy trì, nâng cấp hệ thống cổng thông tin điện tử của tỉnh cũng là giải pháp quan trọng để Thái Bình sớm xây dựng thành công chính quyền điện tử. Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành và đưa cổng thông tin điện tử mới nâng cấp của tỉnh vào hoạt động, tạo nền tảng cho phép thiết lập các dịch vụ công trực tuyến đến mức độ 3 trở lên theo nhu cầu của các cơ quan, đơn vị. UBND tỉnh cũng đã hoàn thiện việc đầu tư cơ sở vật chất, đưa phần mềm tiếp công dân và quản lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo vào sử dụng tại bộ phận tiếp công dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tiếp công dân của tỉnh.

 

Trong lộ trình tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, 100% cơ quan đảng, nhà nước các cấp cần đẩy mạnh ứng dụng mạng văn phòng điện tử liên thông, phần mềm một cửa liên thông trong hoạt động quản lý, điều hành, tác nghiệp và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; hoàn thiện hơn nữa các ứng dụng CNTT để phục vụ người dân tra cứu, khai thác thông tin một cách thuận tiện; phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử; tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp…  

 

"Trước đây, phải mất nhiều thời gian xã mới nhận được công văn của cấp trên; việc quản lý, điều hành, giải quyết công việc đều được thực hiện một cách thủ công. Các văn bản đến và đi được sao và chuyển tay tới các bộ phận, vì thế thông tin truyền tải đến người dân chậm. Nay chỉ với những thao tác đơn giản truy cập vào mạng văn phòng điện tử liên thông, mọi chỉ đạo, điều hành công việc của cấp trên với cấp xã đã kịp thời, nhanh, chính xác, giúp xã tiết kiệm kinh phí, nâng cao chất lượng giải quyết công việc".

 

(Ông Nguyễn Đình Truyền, cán bộ Văn phòng UBND xã Tam Quang, Vũ Thư)

Thu Hiền

  • Từ khóa