Thứ 2, 19/05/2025, 11:52[GMT+7]

Hướng tới nền y tế khoa học, dân tộc và đại chúng

Thứ 6, 26/02/2016 | 08:28:56
1,780 lượt xem
Cách đây 61 năm, ngày 27/2/1955, mặc dù bận mải trăm công ngàn việc song Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm, dành thời gian viết thư gửi hội nghị cán bộ ngành Y tế và ngày này đã được chọn là ngày Thầy thuốc Việt Nam. Đây là dịp để toàn xã hội tôn vinh, ghi nhận cống hiến to lớn, lặng thầm của những người chọn mặc blouse trắng, gánh vác trọng trách chữa bệnh cứu người, được trân trọng gọi là thầy.

Bệnh viện Nhi Thái Bình.

 

Trong bức thư Bác viết có đoạn: “…người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng…”. Thực hiện lời Bác dạy, 61 năm qua ngành Y tế nước nhà đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, rèn luyện y đức, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong những năm tháng chiến tranh, cán bộ, y bác sĩ không ngại hiểm nguy, vừa chăm sóc sức khỏe nhân dân vừa xả thân nơi chiến trường để chiến đấu dành sự sống cho bộ đội góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới, ngành Y tế tiếp tục có bước phát triển lớn mạnh không ngừng, trưởng thành về mọi mặt. Đặc biệt là việc ứng dụng thành công nhiều thành tựu y học hiện đại, khống chế kịp thời các dịch bệnh nguy hiểm, góp phần đưa chỉ số sức khỏe của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập. Một số kỹ thuật chuyên sâu của ngành Y tế nước ta đã ngang tầm với khu vực và thế giới, nhất là về ghép gan, ghép thận, ghép tế bào gốc, mổ tim hở, phẫu thuật nội soi… Việt Nam trở thành điểm sáng thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ tử vong bà mẹ, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh…; tuổi thọ trung bình của người dân tăng gấp đôi so với năm 1945, được xếp vào loại cao trong khu vực Đông Nam Á; là quốc gia có nền y học cổ truyền phát triển hàng đầu thế giới; hiện chúng ta tự đáp ứng trên 50% nhu cầu thuốc chữa bệnh và là một trong 39 nước được Tổ chức Y tế thế giới công nhận đạt chuẩn quốc tế về sản xuất vắc-xin với 12 loại khác nhau sử dụng trong chương trình tiêm chủng quốc gia…

 

Cùng với ngành Y tế cả nước, ngành Y tế Thái Bình cũng có bước phát triển toàn diện: Đội ngũ y bác sĩ không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; các dịch bệnh được kiểm soát; hệ thống khám chữa bệnh ở các tuyến tiếp tục được củng số, tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, kỹ thuật chuyên môn; nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, hiện đại được áp dụng; tích cực cải cách thủ tục hành chính, đổi mới thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh…

 

Với truyền thống vẻ vang, với đội ngũ bản lĩnh, trí tuệ và kinh nghiệm, với sự chung sức của toàn xã hội chắc chắn ngành Y tế sẽ đạt được những thành tựu mang tính đột phá trong tương lai, hướng đến một nền y tế khoa học, dân tộc, đại chúng như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, luôn giữ vẹn sắc trắng của tấm áo blouse, xứng đáng với ngôi vị người thầy mà xã hội dành cho.

 

Thái Bình

  • Từ khóa