Thứ 2, 19/05/2025, 20:17[GMT+7]

Ðông Các cần sự chung tay của cả cộng đồng trong bảo vệ môi trường

Thứ 5, 28/01/2016 | 14:09:47
673 lượt xem
Là địa phương đông dân, có nhiều ngành nghề như làm kính, may mặc... những năm qua, cùng với việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, xã Đông Các (Đông Hưng) luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường nhằm xây dựng một môi trường xanh - sạch - đẹp.

Xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt ở xã Đông Các (Đông Hưng).

 

Ông Phạm Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Xã có 6 thôn với gần 9.000 khẩu. Ngoài rác thải sinh hoạt hàng ngày, trên địa bàn xã còn có trên 40 cơ sở sản xuất hàng may mặc nên lượng rác thải ra rất lớn, bình quân 5 - 7 tạ/ngày. Trước đây, lượng rác thải này được 5 tổ thu gom ở các thôn thu gom, vận chuyển chôn lấp tại 5 bãi rác quy hoạch ở 5 thôn. Tuy nhiên, do diện tích các bãi chôn lấp chỉ từ 1.000 - 2.000m2, trong khi lượng rác thải lớn nên không tránh khỏi tình trạng quá tải. Hơn nữa, các bãi chôn lấp nằm gần khu dân cư nên ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân. Trước tình hình đó, khi tiến hành xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền xã đã quan tâm, ưu tiên thực hiện tiêu chí môi trường. Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã nghiêm túc thực hiện việc đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng các nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

 

Xác định thực hiện tiêu chí về môi trường là nhiệm vụ quan trọng song có nhiều khó khăn, xã Đông Các luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân với nhiều hình thức như tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông, kẻ vẽ băng rôn, khẩu hiệu treo tại nơi công cộng và các trục đường chính. Địa phương còn thường xuyên tổ chức kiểm tra, thực hiện các biện pháp xử lý rác thải, khắc phục ô nhiễm môi trường. Thực hiện lời Bác dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, chính quyền xã đã tổ chức nhiều cuộc họp với nhân dân để bàn việc xây dựng quy chế thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Năm 2014, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã đã cùng với các cơ sở thôn tiến hành khảo sát, quy hoạch và chọn địa điểm xây dựng bãi rác tập trung của xã để xử lý rác thải bằng phương pháp đốt thay thế biện pháp chôn lấp. Bãi rác tập trung của xã được quy hoạch, xây dựng cuối năm 2014 tại thôn Đông Các có diện tích 3.500m2 với tổng kinh phí xây dựng 1,3 tỷ đồng. Lò đốt rác được đưa vào vận hành từ tháng 5/2015. Hiện nay toàn bộ rác thải của các thôn được vận chuyển đến bãi rác tập trung để tiến hành phân loại và xử lý bằng công nghệ lò đốt. Cùng với đó, các bãi chôn lấp tại các thôn đều được cải tạo và trồng cây xanh. Các tổ thu gom rác được địa phương trang bị đầy đủ phương tiện thu gom rác như xe, thùng đựng rác, áo mưa, ủng, găng tay... Nhờ đó, tỷ lệ thu gom rác tại địa phương đến nay đạt trên 95%. Ông Trần Bá Thức, nhân viên hợp đồng xử lý rác cho biết: Hàng ngày sau khi xe chở rác từ các thôn đến, chúng tôi tiến hành phân loại rác và phơi rác rồi mới đốt. Do lượng rác nhiều nên chúng tôi thường đốt 7 - 8 tiếng/ngày mới bảo đảm xử lý hết số rác thải.

 

Cùng với thu gom, xử lý rác thải, xã Đông Các còn chú trọng công tác vệ sinh môi trường tại các chợ, các hộ chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm được cung cấp hóa chất để xử lý, vệ sinh môi trường. Hệ thống cống rãnh trên địa bàn thường xuyên được cải tạo, xây mới, khơi thông bảo đảm không gây ứ đọng nước mưa, nước thải trong khu dân cư. Chị Trần Thị Thu Hương, Bí thư Đoàn Thanh niên xã cho biết: Góp sức cùng với Đảng bộ và nhân dân địa phương, tuổi trẻ xã Đông Các luôn có ý thức bảo vệ môi trường, thường xuyên phối hợp tổ chức thu dọn vệ sinh, kiểm tra, phát hiện và nhắc nhở các trường hợp vi phạm về môi trường. Tuy nhiên, do đất chật, người đông, nhiều nghề nên lượng rác thải lớn, nhiều chủng loại khiến việc thu gom, xử lý gặp nhiều khó khăn, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường sống và nguồn nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, công nghệ xử lý tuy đã có đổi mới song một số chất thải độc hại vẫn chưa được xử lý triệt để, nhận thức của một bộ phận nhân dân về bảo vệ môi trường còn hạn chế. Do đó, để công tác bảo vệ môi trường đạt kết quả cao và bền vững, Đông Các rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng dân cư trên địa bàn.

 

Ngọc Mai

  • Từ khóa