Thứ 3, 13/05/2025, 13:57[GMT+7]

Mô hình nhỏ, ý nghĩa lớn

Thứ 3, 13/05/2025 | 08:58:40
419 lượt xem
Được triển khai từ năm 2024, mô hình bệnh viện xanh, thu gom phế liệu tại Bệnh viện Nhi Thái Bình mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Mô hình vừa góp phần xây dựng bệnh viện xanh, sạch, đẹp, vừa gây quỹ hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Mô hình bệnh viện xanh tại Bệnh viện Nhi Thái Bình được triển khai từ năm 2024.

Đến khám tai, mũi, họng tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, cháu Nguyễn Thị Bảo Ngọc, 8 tuổi, xã Quang Trung (Hưng Hà) được bà mua nước cho uống. Sau khi uống xong, Ngọc đã mang bỏ chai nhựa vừa sử dụng vào khu vực thu gom phế liệu của Bệnh viện. Bảo Ngọc chia sẻ: Ở lớp cháu được thầy cô dạy về việc không được vứt rác bừa bãi mà phải bỏ vào đúng nơi quy định. Khi đến đây khám, Bệnh viện có mô hình bệnh viện xanh, cháu thấy rất ý nghĩa bởi chỉ hành động nhỏ của mình sẽ góp phần bảo vệ môi trường và gây quỹ giúp các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn.

Mỗi năm, Bệnh viện Nhi Thái Bình thực hiện điều trị cho khoảng 25.000 bệnh nhân nội trú và 120.000 bệnh nhân ngoại trú. Số lượng rác thải y tế thải ra môi trường nhiều, trong đó có rác thải rắn. Việc thu gom rác thải đã được thực hiện thường xuyên song hoạt động phân loại rác thải rắn thông thường chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, mô hình bệnh viện xanh, thu gom phế liệu gây quỹ hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Nhi Thái Bình đã ra đời với mục tiêu xây dựng một điểm thu gom lớn và nhiều điểm thu gom nhỏ tại các khoa, phòng; phân loại rác thải sinh hoạt có thể tái chế, từ rác thải thu gom được sẽ bán, tạo quỹ hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

Bác sĩ Đỗ Đình Huy, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trưởng nhóm triển khai mô hình bệnh viện xanh cho biết: Hoạt động phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt trong Bệnh viện là một phần thiết yếu trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế, bệnh nhân và cộng đồng. Rác thải sinh hoạt tại Bệnh viện có nhiều loại với mức độ nguy cơ lây nhiễm khác nhau. Vì thế, việc phân loại rác thải đúng có ý nghĩa quan trọng để bảo đảm xử lý rác hiệu quả và an toàn. Nhóm thực hiện đề án cải tiến xây dựng mô hình với mong muốn triển khai hiệu quả Bộ tiêu chí cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp và nâng cao nhận thức của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân trong việc phòng, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, từ việc làm nhỏ như một chai nhựa, lon nước hay bìa giấy được thu gom sẽ có nguồn kinh phí để đóng góp vào quỹ ủng hộ bệnh nhi khó khăn của Bệnh viện.

Ngay sau khi triển khai, mô hình bệnh viện xanh đã nhận được ủng hộ của cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân. Tính đến nay, Bệnh viện đã tiến hành thu gom tập kết và bán 5 đợt phế liệu với hơn 5.190kg. Số tiền hơn 12 triệu đồng từ việc bán phế liệu thu gom, Bệnh viện đã trích 50% để gây quỹ ủng hộ bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn và 50% cho nhân viên vệ sinh - những người trực tiếp thu gom, tập kết phế liệu. Bác sĩ Đỗ Đình Huy cho biết thêm: Từ thành công bước đầu, thời gian tới, nhóm sẽ nhân rộng mô hình bệnh viện xanh tại các tầng trong khối nhà của Bệnh viện, góp phần hình thành thói quen bảo vệ môi trường, lối sống thân thiện với môi trường cho cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là việc làm cần thiết trong chiến lược hành động vì môi trường xanh, sạch, đẹp. Hiện nay, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn đã được nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh triển khai. Tuy nhiên, để duy trì bền vững, tạo thói quen phân loại rác thải từ mỗi gia đình, người dân vẫn là bài toán khó. Từ mô hình bệnh viện xanh ở Bệnh viện Nhi Thái Bình sẽ góp phần nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày