Thứ 2, 05/05/2025, 14:29[GMT+7]

Cùng nhau vượt khó, đón cơ hội bứt phá

Thứ 2, 05/05/2025 | 09:46:16
429 lượt xem
Trong bối cảnh nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều bất định và sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng, cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình vẫn đang nỗ lực không ngừng để duy trì đà tăng trưởng. Tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp tổ chức mới đây, nhiều chia sẻ thẳng thắn của doanh nghiệp đã được nêu ra, bên cạnh phản ánh những khó khăn thực tế cũng mở ra hướng đi tích cực và cho thấy quyết tâm đồng hành mạnh mẽ từ chính quyền các cấp để doanh nghiệp phát triển.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn chính là giúp doanh nghiệp khơi thông nguồn lực đầu tư phát triển. Trong ảnh: Sản xuất tại nhà máy sợi công nghệ cao DragonTextiles 2 (Công ty Cổ phẩn Đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long).

Khó khăn, thách thức bủa vây 

Thái Bình hiện có hơn 11.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Bước sang năm 2025, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã khởi động từ rất sớm với không khí sản xuất sôi nổi ngay từ đầu năm ở các ngành hàng mũi nhọn như dệt may, da giày, điện tử, vật liệu xây dựng. Tín hiệu tích cực là có đơn hàng đã quay trở lại, lực lượng lao động được huy động tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, những “nút thắt” mới cũng bắt đầu lộ diện: Chi phí đầu vào tăng cao, tỷ giá biến động, chính sách thuế quan nhập khẩu hàng hóa của Mỹ khắc nghiệt, thiếu lao động kỹ thuật, thiếu mặt bằng sạch, thủ tục hành chính vẫn còn chồng chéo ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Damsan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ: Khó khăn hiện nay không chỉ đến từ thị trường mà còn từ thể chế và môi trường đầu tư. Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ngành hàng nào cũng có khó khăn phát sinh. Nếu chính quyền không vào cuộc mạnh mẽ thì doanh nghiệp khó phục hồi nhanh.

Thực tế cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm tỷ lệ đa số trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh) chưa đủ sức bật để mở rộng sản xuất hoặc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ thu hẹp khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn, có nguy cơ phải giảm quy mô sản xuất. Một số khó khăn cụ thể mà các doanh nghiệp nêu ra tại buổi đối thoại như: thủ tục điều chỉnh giá nước sạch còn bất cập, thiếu quỹ đất để đầu tư các hồ chứa nước phục vụ sản xuất, ô nhiễm môi trường tại các làng nghề chưa được xử lý triệt để và việc đào tạo nguồn lao động chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế... Những khó khăn đó đang gây trở ngại cho doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đánh mất cơ hội vàng để phục hồi, thúc đẩy phát triển và hội nhập. 

Chỉ sau 1 năm, dự án nhà máy may của Xí nghiệp May Thái Hà (Tổng công ty May 10) đi vào hoạt động nhờ có sự hỗ trợ tích cực của các sở, ngành, địa phương về thủ tục đầu tư.

Hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế số 

Bên cạnh việc phản ánh khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh cũng đặt ra tầm nhìn dài hạn, với trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi số, thích ứng công nghệ và xây dựng mô hình tăng trưởng xanh, bền vững. Thực tế cho thấy, việc tiên phong thực hiện chương trình zero carbon từ chuyển đổi nguyên liệu thân thiện môi trường, nâng tỷ lệ tái chế, sử dụng năng lượng xanh, đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới công nghệ, máy móc tự động hóa sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh, chiếm lĩnh được thị trường, có nhiều đơn hàng sản xuất, xuất khẩu, doanh thu tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp của tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên năng lực để đầu tư chuyển đổi hạn chế, không biến thách thức thành cơ hội phát triển như những doanh nghiệp quy mô vừa và lớn.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng: Tỉnh nên có chính sách hỗ trợ về chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vì đây là nhóm dễ “bị bỏ lại phía sau” do hạn chế về nguồn lực. Đồng thời, việc tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ mở thêm tuyến xe buýt phục vụ công nhân, quy hoạch sẵn quỹ đất sạch phục vụ các dự án di dời, mở rộng sản xuất... cũng là những nền móng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai. Đặc biệt, chuyển đổi số không còn là xu hướng mà là bắt buộc. Nhưng để chuyển đổi thành công, doanh nghiệp rất cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc cung cấp nền tảng dữ liệu, tư vấn giải pháp phù hợp quy mô, hỗ trợ tiếp cận tín dụng ngân hàng. 

Nhờ có mặt bằng sạch và hỗ trợ thủ tục đầu tư, Công ty TNHH Greenworks Việt Nam (khu công nghiệp Liên Hà Thái) sớm đi vào sản xuất, kinh doanh. 

Sát cánh cùng doanh nghiệp đón cơ hội mới 

Trong khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình vẫn thể hiện rõ tinh thần chủ động, linh hoạt và khát vọng vươn lên. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm kiếm hướng đi mới để thích ứng với biến động kinh tế. Ở một góc nhìn khác, thực tế đang cho thấy, khủng hoảng cũng là cơ hội để sàng lọc và cấu trúc lại nền kinh tế. Với cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, điều đáng quý hơn cả là tinh thần không đầu hàng trước khó khăn mà chọn cách thích nghi, điều chỉnh chiến lược, hợp tác liên kết để “vượt sóng dữ”.  

Việc người đứng đầu chính quyền tỉnh sớm tổ chức cuộc đối thoại tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp cho thấy sự quyết tâm và cam kết mạnh mẽ về việc đồng hành, chia sẻ, kiến tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển hiệu quả. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Phương châm của chúng tôi là “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”. Bất kỳ vướng mắc nào doanh nghiệp nêu ra đều sẽ được xem xét, xử lý công khai, minh bạch và đúng thời hạn. 

Để cởi những “nút thắt” đang “buộc chân” doanh nghiệp, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương xử lý dứt điểm một số vấn đề nổi cộm. Giao Sở Tài chính rà soát thủ tục đầu tư với các dự án ngoài ngân sách, nghiên cứu, nếu có bất cập, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình triển khai các dự án trong giai đoạn hiện nay. Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương nghiên cứu, rà soát các cơ chế, chính sách về giáo dục nghề nghiệp, kịp thời tham mưu, sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả, góp phần giải quyết tình trạng thiếu người lao động, đặc biệt là lao động trình độ cao của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Sở Xây dựng nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh phương án tiếp tục tổ chức triển khai các tuyến dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, trong đó chú trọng việc khai thác các tuyến xe buýt xanh, thân thiện với môi trường, góp phần giảm áp lực giao thông, giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn doanh nghiệp nước sạch điều chỉnh giá bán lẻ hợp lý; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm môi trường tại làng nghề... Bên cạnh đó, người đứng đầu UBND tỉnh cũng chỉ đạo thành lập đầu mối tiếp nhận và xử lý kiến nghị từ doanh nghiệp, định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả về UBND tỉnh. Những vấn đề chưa thể giải quyết ngay sẽ được tổng hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền. 

Cấp ủy, chính quyền tỉnh đã xác định năm 2025 là năm bứt phá trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu GRDP tăng hai con số. Để đạt được điều này, doanh nghiệp và chính quyền luôn cần đi cùng nhau, hành động quyết liệt và thực chất. Khi niềm tin được củng cố, thủ tục hành chính được cải thiện, nguồn lực được tiếp sức thì khó khăn nào cũng sẽ hóa cơ hội. Đây cũng chính là hệ sinh thái đầu tư tốt nhất đưa Thái Bình vươn lên trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, vùng đất lành cho doanh nghiệp phát triển bền vững. 

Khắc Duẩn