Thứ 3, 13/05/2025, 09:11[GMT+7]

HTX DVNN xã Đông Thọ: Năng động trong cơ chế mới

Thứ 3, 31/05/2016 | 09:06:13
893 lượt xem
Xã Đông Thọ, thành phố Thái Bình có 1.376 hộ, 4.120 khẩu, đất nông nghiệp 140,3ha. Tuy cánh đồng phân tán không tập trung một nơi nhưng sản xuất nông nghiệp của xã hàng năm luôn được xếp loại khá, giỏi của thành phố. Ông Dương Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX DVNN xã khẳng định: Có được kết quả đó là do cán bộ và nhân dân trong xã đã năng động, nhạy bén áp dụng khoa học kỹ thuật một cách mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp.

Nghề chế biến nông sản ở Đông Thọ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Ảnh: Ngọc Linh.

 

Trong giai đoạn 2001 - 2015, HTX đã thành công trên 3 lĩnh vực: đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao; tổ chức thực hiện 5 khâu dịch vụ kịp thời cho sản xuất; khẳng định vai trò điều hành, quản lý HTX không thể thiếu trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

 

Nhân dân Đông Thọ đã chuyển đổi hơn 20,1ha diện tích vùng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển 2 trang trại, hơn 10 gia trại tổng hợp, 5ha trồng cây quất cảnh và 2 cơ sở ấp nở gia cầm với diện tích trên 8.000m2, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ nông dân.

 

Năm 2011, khi xã hoàn thành dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, gia đình anh Phạm Văn Ngọc ở thôn Trần Phú đã đầu tư 200 triệu đồng thuê máy xúc san bằng 5.700m2 ruộng mà anh tích tụ từ 13 sào ruộng cấy lúa của một số hộ dân để làm vườn trồng cây quất cảnh và đào ao thả cá. Với cách chăn nuôi bán công nghiệp chủ yếu là các loại cá thuần, mỗi năm anh Ngọc xuất bán 2 lứa cá, mỗi lứa từ 2 - 3 tấn, cho thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng. Hơn 600 cây quất cảnh kết hợp trồng cây rau màu xen canh mỗi năm cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng. Tận dụng đất dư thừa quanh ao, anh Ngọc trồng nhãn, từ năm 2011 đến 2015 anh thu về hơn 80 triệu đồng. Anh Ngọc chia sẻ: Nói chung, chuyển đổi như vậy so với cấy lúa lợi ích hơn nhiều, nếu như cấy lúa vất vả cũng chỉ cho thu nhập 1 triệu đồng/sào/năm thì khi chuyển sang mô hình trên mỗi năm trừ chi phí gia đình tôi thu lãi  hơn 150 triệu đồng.

 

Về thâm canh cây lúa, Đông Thọ đã thay các giống cũ bằng giống ngắn ngày năng suất và chất lượng cao. Đi liền với đổi mới cơ cấu giống là việc đầu tư mạnh cho các khâu thủy lợi mặt ruộng và đưa khoa học kỹ thuật đến tận hộ. Nhờ vậy, năng suất lúa bình quân 4 năm (2011 - 2014) đạt 123 tạ/ha. Cùng với lúa, Đông Thọ còn là một trong những địa phương đi đầu đổi mới cây màu và cây vụ đông với nhiều loại cây có giá trị cao như cà chua, dưa, bí, rau đậu cao cấp..., góp phần đưa hệ số sử dụng đất đạt bình quân 3 - 4 vụ/năm, cho giá trị sản xuất bình quân 60,5 triệu đồng/ha/vụ. Phong trào chăn nuôi của xã ổn định, tổng đàn lợn từ 1.200 - 1.500 con. Phong trào làm kinh tế vườn, ao ngày càng phát triển, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 204,9 tỷ đồng/năm, trong đó trồng trọt chiếm 54%, chăn nuôi chiếm 46%. Sản xuất nông nghiệp liên tục thắng lợi giúp người dân từng bước cải thiện đời sống, đến nay, toàn xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,1%.

 

Thực hiện mô hình đổi mới HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012, HTX DVNN xã Đông Thọ đặc biệt chú trọng việc kiện toàn đội ngũ cán bộ điều hành. Vượt qua những khó khăn, HTX đã phát huy và thể hiện tốt vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực phát triển sản xuất, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, tham gia chuyển giao ứng dụng tiến bộ khao học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện cơ giới hóa trên đồng ruộng nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân.

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020, HTX DVNN xã Đông Thọ xác định tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến sản xuất hàng hóa, nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội đồng quản trị, giám đốc điều hành và ban kiểm soát; mở rộng các hình thức hợp tác nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; chú trọng chuyển đổi mô hình sản xuất theo phân vùng, khuyến khích sản xuất các loại cây màu và cây cảnh; tiếp tục động viên xã viên thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất theo nhóm, vùng sản xuất, quy vùng sản xuất đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng; thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đưa những cây, con có giá trị cao hơn vào sản xuất, trọng tâm là cây ăn quả, rau màu, nuôi trồng thủy sản ở vùng trũng; đầu tư cho thủy lợi, cải tạo đất đạt hệ số sử dụng 4 - 5 lần/năm nhằm tăng thu nhập và tạo việc làm tại chỗ cho nông dân...

 

BÍCH HẠNH

(Đài Truyền thanh Thành phố)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày